Việc miễn phí cho người dùng chỉ là 'cái cớ' của các mạng xã hội lớn, bởi chính thông tin cá nhân của người dùng mới là công cụ hái ra tiền của Facebook, Google,...
Ví như trên Facebook, dữ liệu của người dùng chính là "sản phẩm" đầu ra của hãng, còn các nhà quảng cáo, kể cả những cá nhân chỉ nhằm "mua view thôi" đều là "khách hàng" mạng xã hội này. Và sự riêng tư và những thông tin cá nhân có liên quan chính là thứ mà người dùng "đánh đổi" để được sử dụng Facebook mỗi ngày.
Theo CNN, những thao tác "thích", "bình luận", "chia sẻ" hay những "tự khai" (khoe với bạn bè) rằng bạn đang ở đâu, đang làm gì..., kể cả các nội dung được bạn đưa lên, trả lời bạn bè trên Facebook cũng được "gia chủ" ghi lại chi tiết. Cộng thêm các dữ liệu mà bạn đã cung cấp khi đăng ký vào mạng trước đó như tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, đã học ở đâu, đang làm gì,... mà Facebook cố tình "moi, hỏi" để bạn khai ra, thế là vô tình bạn đã giúp cho Facebook có một kho dữ liệu khổng lồ về mình.
Thông tin cá nhân chính là "máy in tiền" cho Google, Facebook. |
Tất cả những dữ liệu cá nhân này được Facebook cho lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu của hãng và tập hợp chúng lại, phân mảng để bán cho các nhà quảng cáo theo những yêu cầu khác nhau.
Chẳng hạn, hệ thống của Facebook sẽ phân tích và gợi ý quảng cáo dựa trên thói quen người dùng. Điều này bất cứ doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nào chẳng thích và dễ dàng mua ngay. Thế nên bạn đừng ngạc nhiên khi một món hàng nào đó mà bạn thích hay từng mong có được bất ngờ xuất hiện trên Newsfeed, vừa được bạn trao đổi với người khác thông qua tin nhắn hay gọi video bằng Messenger chỉ ít phút trước đó, bởi mọi thứ mà bạn đang làm đã được Facebook theo dõi chặt chẽ từ trước. Món hàng xuất hiện đột ngột trên Newsfeed của bạn kia, nguyên nhân chính là do Facebook đã "bán sở thích" của bạn cho một nhà bán hàng nào đó từ trước rồi.
Vào tháng 6 năm ngoái, mạng xã hội lớn nhất hành tinh - Facebook đã cán mốc 2 tỷ người dùng, và mạng xã hội này vẫn "tiếp tục miễn phí" cho người dùng. Thế nhưng sự thật ở "phía sau cánh gà" không phải như thế, bởi mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn đang kinh doanh một "đặc sản", thứ mà mọi người ít hoặc không để ý đến - Đó là thông tin cá nhân.
Không chỉ có Facebook. Hầu hết các nhà kinh doanh dịch vụ trực tuyến lớn, như Google, Microsoft, Yahoo, AOL, Amazon, Twitter và Yelp cũng đều làm như vậy, bởi đó là thứ để giúp họ tồn tại và phát triển. Thế nên việc trao đổi dữ liệu với bên thứ ba (bán lại dữ liệu) đã biến Facebook, Google thành những nhà quảng cáo trực tuyến hàng đầu thế giới. Họ đã có trong tay hàng tỷ người dùng và ngày càng có nhiều người dùng hơn. Bởi vậy nên các nhà quảng cáo phải đổ xô đến với họ là đương nhiên.
Theo hãng eMarketer, Facebook và Google hiện kiểm soát tới 3/4 thị trường quảng cáo kỹ thuật số, với tổng trị giá khoảng 83 tỷ USD và đây mới chỉ là riêng tại Mỹ thôi nhé!
Và vụ việc 50 triệu tài khoản Facebook bị lộ cuối tuần qua chính là "một hồi chuông cảnh tỉnh" người dùng mạng xã hội cần thận trọng hơn khi sử dụng chúng, nhất là những thông tin cá nhân quan trọng không nên "khai, khoe" với mọi người trên đó.