Theo Science Alert, cho đến nay đã có 4.375 ngoại hành tinh đã được xác định, thuộc 3.247 "hệ Mặt Trời" khác, cùng 5.856 "ứng viên hành tinh" khác đang chờ xác định. Tuy với công nghệ hiện đại việc tìm kiếm sự sống bằng quan sát trực tiếp còn là điều xa vời, nhưng một số kính thiên văn thế hệ tiếp theo đang được phát triển có thể dễ dàng tìm kiếm các "chữ ký sinh học" bằng cách phân tích quang phổ của các hành tinh.
Một số dấu hiệu sinh học từng được đưa vào danh sách: khí oxy, nước, mêtan (CH4), các sản phẩm phụ liên quan đến núi lửa như hydro sunfua (H2S), lưu huỳnh dioxide (SO2), carbon monoxit (CO), khí hydro (H2)….
Giáo sư Sara Seager từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – Mỹ), tác giả chính, nói trên Universe Today rằng họ đã sử dụng phương pháp tiếp cận toàn diện để khám phá tất cả các loại khí có thể là đặc trưng sinh học tiềm năng, dựa trên một cơ sở dữ liệu họ đã xây dựng trước đó. Isoprene (C5H8) trở thành một ứng cử viên mới đầy tiềm năng bởi nó có thể được sinh ra bởi nhiều quá trình sinh học khác nhau.
Ở Trái Đất, đây là loại khí bay lên dồi dào từ các khu rừng, đặc biệt là rừng cây sồi, dương, bạch đàn... Ước tính toàn bộ thảm thực vật Trái Đất phát thải tới 600 triệu tấn isoprene mỗi năm. Ngoài ra, nó cũng được sinh ra bởi nhiều động vật, vi khuẩn có môi trường sống và mức tiến hóa khác xa nhau. Vì thế, nó có thể là đặc trưng của rất nhiều cấp độ sự sống.
"Isophrene có thể là một loại khối xây dựng quan trọng nào đó mà sự sống ở những hành tinh khác cũng có thể tạo ra" – các tác giả kết luận.
Họ cũng tin rằng isoprene sẽ được tìm thấy ở các hành tinh có bầu khí quyển thiếu khí, tức chủ yếu là hydro, cacbonic, nitơ nhưng thiếu đi oxy. Loại khí quyển tưởng chừng chết chóc này lại chính là khí quyển nguyên thủy của Trái Đất, khi sự sống bắt đầu thành hình; do đó một thế giới sở hữu bầu khí quyền tương tự có thể là bản sao sơ khai của hành tinh chúng ta.