Là một người tin dùng hệ điều hành Windows suốt hơn 10 năm qua, tôi luôn có một định kiến âm thầm rằng Macbook nói riêng và macOS của Apple nói chung đều thật đắt đỏ và tù túng. Đến một ngày, tôi phải đi bảo hành chiếc laptop Asus của mình trong 2 tuần và may mắn được một người bạn cho mượn chiếc Macbook Air 2015 để làm việc. Chỉ sau khoảng thời gian ngắn ngủi đó dùng chiếc Macbook Air làm máy chính, định kiến trước đó của tôi về hệ điều hành macOS nói riêng và Macbook nói chung đã bị phá vỡ gần như hoàn toàn.
Sử dụng một chiếc Macbook Air 2015 "chống cháy" dự phòng, tưởng cũ nhưng hóa ra lại được việc hơn mong đợi.
Phần cứng chất lượng, sang trọng theo năm tháng
Trước hết cần nhận xét khách quan rằng chiếc Macbook Air 2015 ra mắt trong thời điểm Apple vẫn nhận được niềm tin tuyệt đối từ người tiêu dùng. Toàn bộ laptop được làm từ nhôm nguyên khối chất lượng, mang lại cảm giác mát lạnh và chắc tay dù đã ra mắt 5 năm. Apple khi đó cũng rất hào phóng về sự đa dạng hóa cổng kết nối của Macbook Air thay vì đổi tất cả thành USB-C như hiện nay. Trong 2 tuần sử dụng, tôi cũng không bắt gặp hiện tượng nóng máy hay quạt ồn. Pin của máy đã trải qua 100 chu trình sạc nhưng tôi có thể dùng máy cả ngày chỉ với 1 lần sạc đầy.
Trackpad của Macbook Air 2015 không tích hợp Force Touch nhưng vẫn mang lại trải nghiệm mượt mà, đặc biệt là phần diện tích rộng rãi gần như chưa hãng nào bắt chước theo, không có cảm giác cấn hay lích kích khi nhấn chuột. Bàn phím cắt kéo truyền thống có hành trình phím sâu vừa đủ, đàn hồi tốt giúp cho việc gõ phím trơn tru.
Về màn hình, đây vốn được coi là điểm trừ lớn của những Macbook Air với ngôn ngữ thiết kế cũ. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế, độ phân giải HD+ trên màn hình 13.3" không quá tệ khi phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần. Chỉ khi làm việc ngoài trời nắng, Macbook Air mới lộ rõ điểm yếu trong việc hiển thị với độ sáng thấp và tương phản còn kém.
Sự khác biệt trong tối ưu hóa phần mềm
Nhìn chung, khi thực hiện các tác vụ cơ bản như văn phòng, giải trí hay lên mạng, MacBook Air 2015 chạy mượt dù tốc độ không thể nhanh bằng chiếc ASUS đời mới hơn tôi thường dùng. Khi chạy những đoạn code trung bình, có đồ họa trên Google Colab hoặc Visual Studio Code, máy phản hồi khá lâu nhưng không gặp tình trạng treo hay đóng đột ngột. Các ứng dụng gốc như Lịch, Ghi chú, Tin nhắn đều đồng bộ hóa nhanh với tài khoản iCloud hoặc Google.
Đáng nói nhất, 2 ứng dụng làm macOS ưu việt hẳn hơn Windows chính là Spotlight Search và Preview. Giống như Windows Search, Spotlight Search là công cụ tìm kiếm đa năng của macOS. Spotlight hỗ trợ tìm kiếm theo từ khóa, loại dữ liệu và cả cụm từ, thậm chí giúp tính toán và chuyển đổi đơn vị đo với tốc độ gần như ngay lập tức. Người dùng còn có thể xem tập tin ngay trong lúc tìm kiếm với tính năng xem trước.
Tương tự như Spotlight, Mac Finder cũng làm tôi kinh ngạc với tốc độ tìm kiếm tập tin nhanh gấp nhiều lần so với Windows Explorer. Bên cạnh đó, Preview là ứng dụng vô cùng đa năng, hỗ trợ xem nhiều loại file khác nhau – từ file PDF PowerPoint, Word, PhotoShop, Illustrator đến các file ảnh như PNG, JPEG, RAW, GIF. Thay vì mở nhiều cửa sổ ứng dụng khác nhau, tôi có thể mở nhiều file đa dạng trên các Tab của Preview. Từ điển, ghi chú PDF hay trình chỉnh ảnh cơ bản đều được tích hợp sẵn trong ứng dụng này. Có thể nói, Preview và Spotlight Search đóng góp đến 50% sự thiện cảm của tôi dành cho mac OS.
Không chỉ vậy, định kiến "macOS là nhà tù" của tôi được phá vỡ bởi 2 lí do. Đầu tiên, mac OS X cho phép người dùng cài Windows song song ngay trên Macbook của họ, điều mà không thể xảy ra theo chiều ngược lại. Đương nhiên, bạn sẽ phải cần một dung lượng đĩa trống lớn để làm điều này, nhưng để đổi lấy sự linh hoạt thì cũng đáng đó chứ?
Ngoài ra, Apple còn cho phép người dùng cài đặt các bản cập nhật phần mềm macOS tùy theo ý muốn cá nhân, đồng nghĩa với việc sẽ không có chuyện cập nhật bắt buộc thường kỳ như trên Windows. Nếu người dùng không hài lòng với bản macOS hiện tại, họ hoàn toàn có thể hạ xuống phiên bản cũ bất kì. Tôi đã hạ từ macOS Catalina xuống macOS High Sierra chỉ với một chiếc USB 16GB. Dưới đây là một video hướng dẫn minh họa:
Cách downgrade các phiên bản OS X (Nguồn: YouTube Tech Mogul)
Những điểm chưa hài lòng
Dù đánh giá cao các ứng dụng gốc của macOS, sự tiện dụng của trình duyệt nền tảng gốc Chrome vẫn khiến nhiều người cảm thấy Safari khá gò bó. Kho tiện ích mở của Safari rất nghèo nàn và hay gặp lỗi khi chạy. Đặc biệt, với những người yêu thích xem video trên YouTube hay Netflix, việc Apple không hỗ trợ đủ tính năng tương thích trên Safari sẽ giới hạn chất lượng tối đa để xem được video từ 2K trở lên. Dù đây không phải là điều đáng quan ngại trên Macbook Air 2015, nhưng với Macbook đời cao hơn được tranng bị màn hình độ phân giải sắc nét, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm xem video của người dùng.
Bên cạnh đó, tính năng Split View của Mac chưa thể so sánh với Snap trên Windows. Split View buộc người dùng sử dụng song song 2 ứng dụng dưới dạng toàn màn hình, đồng nghĩa với việc những ứng dụng không hỗ trợ toàn màn hình không thể hiển thị trong Split View. Phải chăng Apple muốn người dùng tập trung toàn diện vào một ứng dụng duy nhất để nâng cao hiệu suất công việc?
Cuối cùng, điểm yếu rõ thấy nhất của chiếc Macbook Air 2015 này nằm ở số RAM ít ỏi – 4GB. Vừa mở 2 tab trong Edge, 1 tài liệu trong Preview và 1 file word, máy chỉ còn 0.6GB dự trữ dẫn đến sự phản hồi trễ trong tác vụ. Ít nhất thì người dùng hoàn toàn có thể nâng cấp RAM hay SSD riêng biệt đối với các MacBook đời cũ.
Dù chạy tác vụ nhẹ, Macbook Air 2015 sử dụng đến hơn 80% lượng RAM của máy
Kết luận
Hai tuần dùng thử Macbook Air 2015 đã mang lại cho tôi cái nhìn khách quan hơn về macOS và các dòng Macbook. Cho dù hiện tại tôi vẫn rất hài lòng với chiếc laptop ASUS của mình, nhưng thú thực Macbook vẫn sẽ luôn xứng đáng là một trong những lựa chọn thay thế phù hợp trong tương lai.
Tại thời điểm 5 năm trước, Macbook Air 2015 này có mức giá khá đắt đỏ ($999) so với những gì nó có thể làm được. Nhưng sau 5 năm, chỉ với khoảng hơn 10 triệu cho cấu hình cơ bản (4GB RAM/128GB SSD), quả thật nó vẫn mang lại trải nghiệm tương đối mượt mà cho những tác vụ thông thường. Sẽ không phải là một lời khẳng định quá trớn khi dành trọn niềm tin cho dòng Macbook Air nói chung nếu bạn thuộc nhóm học sinh, sinh viên hay nhân viên văn phòng muốn tận hưởng sự ổn định và tối ưu của macOS cũng như chất lượng phần cứng của Macbook.