Một nhóm nghiên cứu quốc tế vừa tiến hành quan sát chi tiết NGC 5084, một thiên hà phát sáng nằm không xa thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), được nhân loại biết đến từ nhiều thế kỷ trước, đã có phát hiện sốc về lỗ đen trung tâm của nó.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Alejandro Borlaff từ Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA đã áp dụng những kỹ thuật mới để phân tích dữ liệu từ Đài quan sát tia X của NASA để nhìn xoáy vào trung tâm NGC 5084.
Họ đã nhận thấy điều kỳ lạ: Bốn luồng plasma phát ra tia X dài tỏa ra từ trung tâm thiên hà theo hình chữ X.
Những luồng plasma này là bằng chứng về hoạt động trung tâm thiên hà trong quá khứ.
Khi một lỗ đen hút vật chất từ không gian xung quanh nó, không phải tất cả vật chất đều biến mất mãi mãi sau chân trời sự kiện, tức đã rơi vào một điểm kỳ dị nơi chúng không bao giờ có thể thoát ra ngoài để đến được các phương tiện quan sát.
Nhưng một số vật chất liên quan đến bữa ăn của con quái vật này đã chuyển hướng, đi dọc theo các đường sức từ bên ngoài lỗ đen đến các cực của lỗ đen, nơi nó được phóng vào không gian dưới dạng các tia plasma.
Hai trong số các luồng plasma đang kéo dài ở trên và dưới mặt phẳng thiên hà, một điều bình thường, cho thấy mặt phẳng xích đạo của lỗ đen cũng trùng khớp với mặt phẳng xích đạo của thiên hà.
Nhưng 2 luồng plasma còn lại đâm vào đĩa thiên hà, mà các tính toán cho thấy là bằng chứng cho thấy lỗ đen quái vật này bằng cách nào đó đã bị lật nghiêng sang một bên.
Nhóm nghiên cứu đã xác nhận điều này bằng các đài thiên văn khác trên thế giới, bao gồm ALMA, Expanded Very Large Array, Apache Point.
"Giống như nhìn thấy một hiện trường vụ án với nhiều loại ánh sáng khác nhau, việc ghép tất cả các bức ảnh lại với nhau cho thấy NGC 5084 đã thay đổi rất nhiều trong quá khứ gần đây của nó" - TS Borlaff cho biết.
Ở trung tâm của thiên hà, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một dải bụi, đặc trưng của đĩa vật chất xoáy quanh vùng xích đạo của một lỗ đen siêu khối, khi nhìn theo hướng song song với mặt phẳng thiên hà.
Điều này cho thấy mặt phẳng lỗ đen đang vuông góc với mặt phẳng thiên hà!
Điều này gợi ý về một sự kiện thú vị trong quá khứ của thiên hà, tạo ra dòng vật chất tràn vào trung tâm thiên hà.
Theo bài công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal, kịch bản khả dĩ nhất là một vụ va chạm thiên hà cực mạnh, dẫn đến 2 thiên hà hợp nhất và lỗ đen của chúng cũng vậy.
Một cách oái oăm, sự hợp nhất diễn ra không mấy ổn thỏa và tạo ra một con quái vật bị lật nghiêng.
Các tính toán cho thấy lỗ đen ban đầu vốn cực kỳ to lớn - gấp 45,7 triệu lần khối lượng của Mặt Trời, tức hơn 11 lần so với lỗ đen quái vật ở trung tâm Ngân Hà - vì vậy một thứ có thể lật nghiêng nó phải rất khủng khiếp.
Các nhà khoa học hy vọng có thể đi tìm các ví dụ tương tự để hiểu thêm về lịch sử của các thiên hà, có lẽ khốc liệt hơn chúng ta tưởng tượng nhiều lần.