Diễn đàn công nghệ FPT Techday thường niên vừa diễn ra tại TP.HCM. Đây là sự kiện công nghệ thường niên do Tập đoàn FPT tổ chức, diễn ra theo hai hình thức: Không gian thực tế và sự kiện trực tuyến.
"Chúng ta phải chuyển đổi số"
Tại sự kiện, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, ngày nay, các CIO (giám đốc công nghệ) ko chỉ là nhà quản trị về CNTT trong các cơ quan tổ chức mà họ còn phải là giám đốc chuyển đổi số, bởi vì chuyển đổi số là xu hướng tất yếu.
"Chuyển đổi số khẳng định giá trị của mình trong thời gian COVID-19 vừa qua, giúp Việt Nam tiếp tục phát triển, nhiều cơ quan tổ chức có thể tiếp tục hoạt động bình thường trên môi trường số. Năm nay, kinh tế Việt Nam tuy tăng trưởng dương nhưng còn thấp, các doanh nghiệp công nghệ số vẫn đạt mức tăng trưởng 7 - 8%. Do đó, chúng ta phải chuyển đổi số", ông Phan Tâm chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT thì cho biết, FPT Techday 2020 là điểm gặp gỡ của ba bên gồm nhà nước - doanh nghiệp - nhà công nghệ.
Lấy TP.HCM làm ví dụ, ông Bình cho rằng: TP.HCM phải quản lý ngày càng đông, hiện có 9 triệu dân, mỗi năm lại tăng thêm 1 triệu người. Quy mô TP.HCM năm 2019 bằng quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2007 nhưng không được tăng biên chế. Chính phủ yêu cầu TP.HCM cung cấp dịch vụ công làm sao để người dân tốn ít thời gian hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp đang rơi vào tình thế còn khó hơn nhà nước, bởi họ đang đứng trước thách thức sinh tử thời COVID-19.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.
"Chúng ta phải thay đổi, phải thích nghi! Chưa bao giờ thay đổi chóng mặt như vậy với các doanh nghiệp. Hoặc là để trào lưu công nghệ cuốn đi hoặc là phải làm chủ để tiếp tục phát triển trong tương lai", ông Bình nhấn mạnh.
"Ngày nay, người tiêu dùng không còn trung thành với thương hiệu nữa: Họ không biết chờ đợi, họ muốn bước ra cửa là có xe, 1 click là có sản phẩm. Chưa bao giờ các doanh nghiệp cần phải hiểu khách hàng đến vậy, nếu làm họ không hài lòng họ sẽ không quay trở lại nữa. Cái họ cần là một trải nghiệm trong suốt một hành trình tiếp cận với sản phẩm dịch vụ và doanh nghiệp", ông đặt vấn đề tại sao cần chuyển đổi số.
"Tất cả đang phải đối mặt với tương lai bất định"
Ở phạm vi toàn cầu, ông Pankaj Rathi - Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Deloitte Đông Nam Á cũng chia sẻ những con số về tác động của dịch COVID-19. Theo đó, GDP toàn cầu đang sụt giảm, sụt hơn hơn cả thời điểm khủng hoảng thời chính toàn cầu. Hiện nay đang là -6%.
"Sụt giảm tiêu dùng trên toàn cầu, thất nghiệp khiến tất cả đang phải đối mặt với tương lai bất định. Tuy các nước châu Á đang có các chỉ số tốt hơn nhờ xử lý và đối mặt tốt với đại dịch, nhưng chúng ta là một phần của kinh tế toàn cầu nên vẫn chịu tác động chung của COVID-19", ông Pankaj Rathi nói.
Theo ông Pankaj Rathi, với những công ty có tài sản cố định nhiều, trong hai năm liên tiếp không còn công ty nào như vậy nằm trong top các công ty hàng đầu. Ngược lại, các công ty có tài sản công nghệ số đã nổi lên dẫn đầu khi cả thế giới đối đầu với đại dịch. Ví dụ, Amazon tăng trưởng gấp đôi trong đại dịch.
Các công ty có tài sản công nghệ số đã nổi lên dẫn đầu thế giới.
"Trong thế giới mới hiện nay, phải có sự bền bỉ và kiên trì, kiên cường trước những thách thức. Kiên cường là sự khác biệt. Thế giới đã rất khác so với những thập niên trước, càng ngày thử thách càng lớn, COVID-19 chưa phải là thử thách cuối cùng", ông Pankaj Rathi cảnh báo.
Tương tự, ông Will Nguyen - Phó Tổng Giám đốc phụ trách bộ phận Tư vấn Công nghệ - KPMG Việt Nam chia sẻ thông tin liên quan một cuộc khảo sát các CIO toàn cầu trong năm 2020: 65% cảm thấy tự tin về xu hướng cũng như khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 3 năm tiếp theo nhờ ứng dụng công nghệ.
Theo ông, những doanh nghiệp yếu không thể tồn tại, những doanh nghiệp có khả năng tồn tại và sống sót qua năm 2020 thì tương lai rất tốt. Khảo sát cho thấy, 71% CIO cho rằng chuyển đổi số là ưu tiên số 1. Ngoài ra, trên 50% trong tổng số 4.000 giám đốc điều hành (CEO) được hỏi đều cho biết sẽ tăng đầu tư vào CNTT, sáng tạo kỹ thuật số.
"Các doanh nghiệp nói về AI nhưng chưa thực sự hiểu về nó"
Về giải pháp, trí tuệ nhân tạo (AI) chính là một trong số đó. Ông Nguyễn Xuân Phong - chuyên gia AI của Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila nhận định, AI vẫn còn khá mới tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt nói về AI nhưng chưa thực sự hiểu về nó.
"AI là một bộ môn khoa học, buộc chúng ta phải đầu tư nghiên cứu thì mới đáp ứng được. Thứ nhất, mọi người chưa hiểu AI là gì và có nỗi sợ AI sẽ vượt qua và thống trị loài người. Đây là những suy nghĩ theo cá nhân tôi là viển vông. Việc hợp lực giữa trí tuệ con người và trí tuệ máy tính mới là tương lai của AI", ông Phong trình bày.
Cũng tại sự kiện, cộng đồng công nghệ trẻ đã được truyền cảm hứng từ những chuyên gia công nghệ hàng đầu như Giáo sư Yoshua Bengio - Nhà sáng lập Viện nghiên cứu AI Mila, Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, người được mệnh danh là bố già AI với chủ đề “Tương lai công nghệ, xu hướng và cách thức công nghệ phát triển, phục vụ con người”.
Ngoài ra, hơn 2.000 lập trình viên đã cùng tham gia tranh tài tại Đấu trường Công nghệ để khẳng bản lĩnh, năng lực bản thân trong lĩnh vực lập trình, trí tuệ nhân tạo, vận dụng các nền tảng công nghệ mới để thiết kế, xây dựng những ứng dụng giải các bài toán thực tế trong cuộc sống.