Thúc đẩy phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền kinh tế tri thức, chia sẻ số, CNTT là ngành lõi. Và trong CNTT, công nghệ vi mạch bán dẫn là xương sống. Công nghệ vi mạch bán dẫn gồm có hai phần là thiết kế và sản xuất.

TP.HCM hiện là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm ở phía nam và đang được xây dựng theo mô hình của thành phố thông minh. Vì những lý do như thế mà nhu cầu xây dựng một nền công nghệ vi mạch bán dẫn thuần Việt trở nên cấp thiết. Trước tình hình đó ủy ban nhân dân thành phố đã có trương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030, nhằm tập trung mọi nguồn lực tiến tới xây dựng ngành công nghiệp này trở thành dẫn đầu cả nước vì vi mạch liên quan mật thiết với an ninh Quốc phòng và lợi ích kinh tế nên yếu tố thuần Việt được đưa lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM. Nguồn ảnh: Truyền hình Nhân dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM cho biết:”Tình hình phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM đã có bước tiến rất dài. Thứ nhất, tình hình trong nước với startup đã mạnh lên rất nhiều lần và đầu tư của nước ngoài vào khu công nghệ cao như Intel thì có nhiều bước khởi sắc rất tốt. Do đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và phát triển chương trình vi mạch của TP.HCM trở thành chương trình của quốc gia vì cái tầm và độ phát triển đã đủ lên mức phát triển ngành vi mạch Quốc gia”.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Nguồn ảnh: Truyền hình Nhân dân.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nói:”Nói về công nghiệp công nghệ thông tin thì ta nói có 3 cái nội dung lớn. Thứ nhất là công nghệ phần mềm thứ hai là công nghệ phần cứng và cuối cùng là công nghệ nội dung số. Trong cái phần cứng TP.HCM chúng ta đang định hướng về vi mạch. Và nếu trước đây chúng ta có những thành công đáng ghi nhận về phần mềm thì phần cứng càng phải được thúc đẩy. Và đặc biệt khi chúng ta thúc đẩy xây dựng những đô thị thông minh thì cần có những con vi mạch made in Việt Nam để tiếp tục triển khai”.

Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Tin học Lạc Việt chia sẻ:”Ngành vi mạch bán dẫn thật ra đã bắt đầu ngay từ cách mạng công nghiệp lần thứ 2 từ cuộc cách mạng về cơ khí điện tử. Cuộc cách mạng lần thứ 3 là cuộc cách mạng về CNTT và Internet thì công nghệ bán dẫn ảnh hưởng ngày càng sâu sắc hơn. Và đến ngày nay ngành bán dẫn vào trí tuệ nhân tạo và học máy để xử lý những dữ liệu lớn”.

Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Tin học Lạc Việt chia sẻ về ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.

Ở TP.HCM dù có sự đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn từ nước ngoài và sự đang dần lớn mạnh của các startup nhưng công tác thiết kế chỉ dừng ở mức phòng thí nghiệm chưa được thương mại hóa. Công tác sản xuất đòi hỏi nguồn vốn lớn cũng như trình độ năng lực quản lý hiện đại, bên cạnh đó là những bất cập trong công tác đào tạo nguồn nhân lực tương xứng, sự nhận thức của xã hội thể hiện qua các chính sách pháp luật, chính sách thuế .v.v. Đó thật sự là những thách thức lớn cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn còn non trẻ của thành phố.

“Tất cả mọi thứ về vi mạch bán dẫn ở TP.HCM cũng như Việt Nam mới chỉ là những bước bắt đầu và còn rất là nhiều khó khăn, nhưng khó nhất hiện nay là vi mạch bán dẫn chưa phải là chủ trương cốt yếu. Cũng là vì chưa là chính sách cốt yếu nên những chính sách rõ ràng về thuế má ưu đãi rõ ràng để phát triển ngành này”, Ông Hà Thân nói.

Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Tin học Lạc Việt. Nguồn ảnh: Truyền hình Nhân dân.

GS. TS Đặng Lương Mô, Cố vấn Đại học Quốc Gia TP.HCM:”Ngành công nghiệp vi mạch gồm hai phần gồm thiết kế và chế tạo, nói về chế tạo thì thú thật chúng ta đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội, riêng về vấn đề chế tạo, chúng ta phải hiểu và nhìn nhận rằng đó là nó cần vốn rất lớn, cần số tiền rất lớn mới có thể xây dựng được nhà máy chế tạo”.

Bà Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ ITO Việt Nam:”Theo tôi thấy, hiện giờ mình đang sơ khởi và sẽ có rất nhiều thách thức. Bởi vì chính mình sơ khởi mình sẽ đi sau những các nước lân cận rất nhiều và vì vậy chúng ta phải tập trung nguồn lực, cần những nguồn lực trẻ năng nổ hơn tâm huyết hơn để thống trị và cần những người có kinh nghiệm để chia sẻ cho các bạn trẻ”.

Bà Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ ITO Việt Nam. Nguồn ảnh: Truyền hình Nhân dân.

Nhưng bên cạnh những khó khăn thách thức thì công nghiệp vi mạch bán dẫn cũng có những yếu tố thuận lợi mang tính tạo đà cho sự phát triển. Trước tiên là chủ trương chính sách của lãnh đạo thành phố thể hiện sự nhận thức và quyết tâm. Thành phố cũng là nơi đón nhận nhiều sự đầu tư nước ngoài tranh thủ được sự giúp đỡ của cả về công nghệ và nguồn nhân lực từ bà con Việt Kiều và là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu. Tính năng động trẻ trung của thành phố sẽ mang tới nhiều động lực cho sự phát triển của ngành cùng với đó chủ trương xây dựng thành phố thông minh cũng là động lực rất mạnh mẽ.

Theo nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn trong chiến lược hành động thì ý tưởng xây dựng các hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thuần Việt là hướng đi bảo đảm cho việc phát triển bền vững. Hệ sinh thái này là sự kết nối chắc chẽ giữa các đầu tàu là các doanh nghiệp lớn trong nhiều ngành như phần mềm, cơ khí chính xác, chế tạo máy cùng các vườn ươm của cả nước cùng nhiều tổ chức với các doanh nghiệp khởi nghiệp, kết nối này là rất cần thiết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng như liên kết giữa các địa phương, các kết nối này sẽ biến cạnh tranh thành hợp tác hỗ trợ và tạo ra các chuỗi giá trị.

“Những start up và các doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi xem đó là những toa tàu thì họ cần những đầu tàu. Chúng tôi xác định những doanh nghiệp đầu tàu ví dụ như là Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, ITO còn những tàu đẩy đó là những trung tâm của nhà nước ví dụ nhưTrung tâm phát triển Công nghệ trẻ Thành Đoàn, Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao khi chúng ta xác định được những đầu tàu kéo và những toa tàu đẩy kết nối với những doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nó hình thành hệ sinh thái trong sản xuất rất là chuẩn. Tuy nhiên một lực lượng thứ hai mà chúng ta không thể không nhắc tới đó là hỗ trợ và đóng góp từ các kiều bào”.

“Và quan trọng nhất vẫn là con người, tức là các trường viện phải cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ cao thì lúc đó ta mới có thể bắt kịp với phát triển của nền công nghệ vi mạch bán dẫn. Nếu mà nguồn nhân lực mà không đáp ứng thì tất cả đều là số không. Do đó, trong thời gian tới, việc ký kết với Đại học Quốc gia có thể tận dụng tất cả nguồn nhân lực từ các trường Đại học để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn” Ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo Khampha