Không giống như cách đây vài năm, giờ SSD đã trở thành một trong số những thiết bị lưu trữ có thể sở hữu với mức giá rất hợp lý. Ở tầm giá bình dân và tầm trung, thì một chiếc ổ SSD 120 đến từ các nhà sản xuất như Kingston, Crucial hay Western Digital đều có giá hết sức phải chăng. So sánh với khoảng 5 năm về trước, SSD giống như một thứ gì đó xa xỉ và khó với tới, chỉ phù hợp với những hệ thống máy tính chơi game cao cấp, và SSD cũng chỉ để cài Windows, còn game, với những sản phẩm có dung lượng ngày càng lớn cũng chỉ dám cài trên HDD thông thường.
Nhưng giờ đây một ổ cứng SSD 480GB cũng không quá đắt. Mua những sản phẩm như Kingston A400, Transcend TS480G hay Trion 100 về, vừa cài Windows, vừa cài game để load màn chơi cho nhanh không còn là điều lạ lùng gì nữa. Và các bạn độc giả cũng có thể thấy rằng, những bài thử nghiệm phần cứng mới cũng như đánh giá game của chúng tôi đều sử dụng hai SSD, một để cài Windows, và một để cài game. Phải nói rằng nếu dư dả một khoản tài chính nho nhỏ, thì SSD là lựa chọn quá tuyệt để cài game vào máy tính thay vì HDD, vốn có ưu thế dung lượng cao nhưng tốc độ đọc và độ bền thì không thể sánh bằng.
Nhưng vẫn còn một số lượng rất nhiều những game thủ vẫn còn nghi ngờ rằng, SSD dùng để cài game sẽ có tuổi thọ bị rút ngắn đi. Vẫn đồng ý một điều, tuổi thọ SSD suy giảm sau một số lần nhất định đọc ghi dữ liệu. Đây là khuyết điểm cố hữu của chip NAND sử dụng bên trong những chiếc ổ xinh xinh nhưng sức mạnh rất lớn này. Vì thế nhiều người cũng giữ cho mình cách nghĩ đó là SSD chỉ nên dùng để cài Windows, còn game thì cài vào HDD cho bền.
Thế nhưng đây là sự thật: Trang Tech Report đã có bài kiểm tra dài 18 tháng ghi dữ liệu liên tục lên SSD để xem một ổ SSD thông thường thì sẽ ghi được bao nhiêu dữ liệu, và đây là kết quả: Sau 18 tháng, giới hạn ghi dữ liệu lên SSD cao hơn con số mà hầu hết mọi người thường sử dụng. Ổ cứng SSD Samsung 840 Series vượt qua 300TB dữ liệu ghi đầu tiên, và chỉ bắt đầu gặp lỗi sau khi ghi tổng cộng 700TB dữ liệu. Riêng dòng 840 Pro, con số trên là 2.4PB (khoảng 2400TB).
Nếu lấy mốc 700TB trong bài thử nghiệm trên, trung bình bạn sẽ phải ghi 100GB dữ liệu mỗi ngày liên tiếp trong 19 năm thì chiếc SSD của mình mới bắt đầu hỏng, còn nếu lấy con số 2.4PB cho các loại ổ cao cấp hơn thì thời gian để nó hỏng phải lên đến 54 năm.
Dĩ nhiên những sản phẩm giá rẻ hơn cũng sẽ có tuổi thọ thấp hơn. Nhưng 54 năm? Trong suốt quá trình đó có lẽ bạn đã đổi đến gần chục bộ máy tính mà SSD chưa chắc đã hỏng. Chính vì thế, việc cài game, xóa game, thậm chí là liên tục, sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng đến tổng thể khả năng xử lý của chiếc ổ cứng thể rắn bạn đang sở hữu. Nói một cách khác, ổ SSD là thứ để cài và đọc dữ liệu nhanh. Đến Windows với các file hệ thống đọc liên tục như vậy mà không làm SSD hỏng, thì liệu có tựa game khủng nào làm hỏng được SSD?
Tuy nhiên, vẫn có những lời khuyên hữu ích cho anh em game thủ sở hữu SSD ở thời điểm hiện tại. Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đừng bao giờ cài game hay dữ liệu đầy kín ổ SSD. Không chỉ ổ HDD mà ngay cả ổ SSD cũng hoạt động chậm hơn khi dung lượng lưu trữ không còn nhiều nói cách khác là ổ đã ở trạng thái đầy. Khi khoảng lưu trữ còn thừa ít, mỗi NAND lưu trữ đều đã gần đầy. Ổ SSD buộc phải đọc các khối dữ liệu này vào bộ nhớ đệm, sau đó đưa dữ liệu mới vào sắp xếp kèm. Cuối cùng, tất cả mới được đưa trở lại ổ cứng. Quá trình này làm giảm đáng kể hiệu suất ghi của ổ SSD.
Thứ hai, không như game và hệ điều hành, bạn cũng không nên lưu trữ quá nhiều phim ảnh hay nhạc, những dữ liệu ít được sử dụng liên tục, mà thay vào đó hãy chuyển chúng vào HDD.