Thực hư việc YouTube không đủ tiền trả cho "ông hoàng YouTuber" MrBeast

"Ông vua" YouTuber khẳng định không kiếm được tiền từ những video trăm triệu view trên YouTube.

Cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin lan truyền trên Facebook cho rằng YouTube không đủ khả năng chi trả cho MrBeast, một YouTuber nổi tiếng bậc nhất hiện nay với những video "chịu chơi" đạt hàng trăm triệu lượt xem. Thậm chí, có ý kiến cho rằng MrBeast phải tự kinh doanh để bù lỗ hàng triệu USD cho mỗi video. Sự thật đằng sau những lời đồn thổi này là gì?

Bóc trần sự thật

Tin đồn cho rằng YouTube trả tiền cố định cho mỗi video và giới hạn ngân sách cho nhà sáng tạo là không chính xác. Thực tế, YouTube trả tiền dựa trên lượt xem quảng cáo, thời lượng xem, tương tác của người xem... Không hề có chuyện nền tảng này giới hạn ngân sách, đặc biệt là với những kênh "khủng" như MrBeast.

Việc MrBeast trực tiếp thương lượng với YouTube về doanh thu cũng chưa được kiểm chứng bởi bất kỳ nguồn tin chính thống nào. Thông thường, các nhà sáng tạo không có quyền "mặc cả" về doanh thu quảng cáo.

Một điểm đáng chú ý khác là MrBeast không hề tuyên bố bản thân bị lỗ từ việc tạo nội dung YouTube. Anh chỉ khẳng định không thu về lợi nhuận, bởi vì phần lớn doanh thu được tái đầu tư vào sản xuất video.

MrBeast nói gì?

Trong cuộc phỏng vấn với YouTuber Jon Youshaei, MrBeast xác nhận anh không kiếm được lợi nhuận trực tiếp từ video YouTube. Mặc dù kiếm được khoảng 600-700 triệu USD mỗi năm, nhưng hầu hết số tiền này đều được anh tái đầu tư vào việc sản xuất video. Chẳng hạn như vào những tháng đầu năm 2024, MrBeast cho biết đã đầu tư hơn 120 triệu USD để sản xuất nội dung, nhưng không có chút "lời lãi" nào từ YouTube.

Nguồn thu nhập chính của MrBeast đến từ Feastables, thương hiệu sô-cô-la thanh do anh sáng lập, và các hợp đồng quảng cáo hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, MrBeast cũng rất kĩ lưỡng trong việc chọn lọc đối tác và ưu tiên sự phù hợp với hình ảnh kênh của mình.

Thương hiệu sô-cô-la Feastables của MrBeast đã chứng minh được sự phổ biến.

Thương hiệu sô-cô-la Feastables của MrBeast đã chứng minh được sự phổ biến.

Mỗi video của MrBeast tiêu tốn khoảng 4 triệu USD chi phí sản xuất, gồm thuê địa điểm, thiết bị, nhân sự... Đây là con số khổng lồ, nhưng cũng là minh chứng cho sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng nội dung của "ông hoàng YouTube".

Việc tái đầu tư gần như toàn bộ doanh thu vào sản xuất video cho thấy tầm nhìn dài hạn của MrBeast. Anh tin rằng nội dung chất lượng cao sẽ thu hút người xem, từ đó mang lại lợi ích bền vững trong tương lai.

Kết luận

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc YouTube không đủ tiền trả cho MrBeast là tin giả, hoặc ít nhất là thông tin bị bóp méo, phóng đại. MrBeast không có lợi nhuận từ YouTube đến từ việc anh chủ động tái đầu tư để nâng cao chất lượng nội dung và phát triển kênh.

Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của tin giả trên không gian mạng. Người dùng cần tỉnh táo, kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn uy tín trước khi tin và chia sẻ.