Bắc Cực hóa Nam Cực và ngược lại, điều không tưởng đó đã xảy ra lần gần đây nhất là vào 42.000 năm trước chứ không phải vài trăm ngàn năm như các nghiên cứu trước đó. Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi nhà khoa học Trái Đất Chris Turney của Đại học New South Wales (Úc).
Theo Science Alert, họ đã tìm thấy điều bất thường khi khám phá những vòng tăng trưởng bên trong các thân cây cổ thụ thuộc một khu "rừng ma" hóa thạch ở New Zealand. Được chôn vùi trong trầm tích suốt 40.000 năm, những thân cây nguyên vẹn đến kinh ngạc và ghi dấu lại rõ ràng mức tăng đột biết của carbon phóng xạ trong khí quyển khi từ trường Trái Đất sụp đổ.
Họ gọi đó là "Sự kiện Địa từ chuyển tiếp Adams. Như nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, sự chuyển động của sắt nóng chảy bên trong lõi hành tinh đã làm 2 cực từ của Trái Đất bị đảo ngược hàng trăm lần. 2 cực này lật ngược rất chậm, kéo theo đó là nhiều thế kỷ từ trường Trái Đất suy yếu. Từ quyển lại là lớp áo giáp bảo vệ hành tinh khỏi các bức xạ vũ trụ, do đó khi đảo ngược, các sinh vật Trái Đất có thể bị tổn thương.
Theo New Scientist, sự kiện đảo cực từ lần cuối nói trên bắt đầu khoảng 41.000-42.000 năm về trước và kéo dài đến 800 năm, khiến các thân cây cổ đại "ngập" carbon-14, một đồng vị phóng xạ liên quan đến các tác động vũ trụ.
Đáng sợ hơn, công trình công bố trên Science này còn được liên kết với những thay đổi lớn trong tầng ozone và khí hậu. Trái Đất ngập trong các cơn bão cực quan, môi trường đảo lộn. Điều đó có thể chịu trách nhiệm trong hàng loạt sự kiện tuyệt chủng bí ẩn như sự kiện megafauna trong lịch sử nước Úc cổ đại. Đó cũng là giai đoạn nghệ thuật hang động phát triển ở loài người, có thể đơn giản vì họ phải ở trong hang nhiều hơn để trốn tránh môi trường khắc nghiệt.
Theo nhiều nghiên cứu trước đó, Trái Đất đang có dấu hiệu "rục rịch", chuẩn bị đảo cực từ lần nữa, mà biểu hiện rõ nhất là cực Bắc từ tính đã di chuyển khỏi Bắc Cực địa lý khá xa, từ Canada trôi ngang đại dương với tốc độ 50 km/năm, đã sắp "cập bến" Siberia.