Hãng AP ngày 15-12 dẫn kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Chống thù ghét Kỹ thuật số cho biết tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ và Anh này đã tạo một số tài khoản TikTok tuổi teen giả tại các nước như Mỹ, Anh, Canada và Úc và dùng tài khoản này để "like" (thích) các video về hành vi tự hủy họai bản thân và chứng rối loạn ăn uống. Mục đích các nhà nghiên cứu muốn xem thuật toán của TikTok sẽ phản hồi ra sao.
Kết quả, chỉ vài phút sau đó, nền tảng này gợi ý những video phổ biến nhất mang nội dung về giảm cân và tự hủy họai bản thân. Các video này có chứa hình ảnh của người mẫu và kiểu cơ thể lý tưởng, nó cũng chứa cả hình ảnh lưỡi dao cạo và thảo luận về hành động tự sát.
"Ta giống như bị mắc kẹt trong một hội trường toàn những tấm gương méo mó và xấu xí. Các video liên tục nói bạn không đủ tốt, có lẽ bạn nên tự sát. Nó thực sự đang bơm những thông điệp nguy hiểm nhất có thể đến với những người trẻ tuổi" - Giám đốc Trung tâm Chống thù ghét kỹ thuật số Imran Ahmed tiết lộ về nội dung mà thuật toán TikTok gợi ý.
Chính do ẩn chứa nhiều nguy cơ nên TikTok bị cấm tại một số bang ở Mỹ như Texas, Indiana, Maryland … hay mới nhất là 2 bang Alabama và Utah. Không chỉ lo ngại chứa đụng các thông tin độc hại, các nhà lập pháp còn lo ngại TikTok có thể được sử dụng để theo dõi người dùng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ, theo Reuters.