TOI-1452b là hành tinh quay quanh một trong 2 ngôi sao lùn loại M (sao lùn đỏ) trong hệ sao đôi TOI-1452, cách chúng ta khoảng 100 năm ánh sáng trong chòm sao Draco, Thiên Long.
"Hành tinh này nằm ở khoảng cách xa ngôi sao của nó, nơi nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh để nước lỏng tồn tại trên bề mặt" - Sci-News dẫn lời nhà nghiên cứu chính, tiến sĩ Charles Cadieux và các cộng sự từ Đại học Montréal - Pháp.
Kết quả phân tích quang phổ cho thấy TOI-1452b lớn hơn Trái Đất khoảng 1,7 lần và có khối lượng hơn 4,8 lần. Nó có thể là một hành tinh đá như Trái Đất, nhưng mật độ hành tinh cho thấy nó là một thế giới rất khác biệt.
Theo Heritage Daily, TOI-1452b có thể là một trong những dạng hành tinh đá thú vị nhất mà các nhà khoa học luôn mong đợi tìm thấy: Hành tinh dại dương, thường có mật độ thấp hơn nhiều so với Trái Đất vì có tỉ lệ nước cao.
Ước tính nước chiếm tới 22% khối lượng của TOI-1452b, tương tự như tỉ lệ mà NASA xác định trên các "mặt trăng sự sống" của hệ Mặt Trời như Ganymede và Calisto của Sao Mộc, Titan và Enceladus của Sao Thổ.
Nhưng khác với các mặt trăng lạnh lẽo nói trên, độ sáng của hai ngôi sao trong hệ TOI-1452 và khoảng cách của hành tinh so với sao mẹ cho thấy nó có nhiệt độ ôn hòa hơn nhiều - tương đương vùng ôn đới của Trái Đất chúng ta.
Vì vậy đại dương của hành tinh sẽ là dạng đại dương lộ thiên chứ không bị chìm khuất bởi vỏ băng như các "mặt trăng sự sống".
Hành tinh đại dương có phù hợp với sự sống hay không, đó vẫn là một câu đố lớn bởi từ trước đến nay các hành tinh đại dương chỉ được tìm thấy ở các hệ sao khác, quá xa để quan sát chi tiết.
Theo tiến sĩ Cadieux, siêu Trái Đất đại dương này sẽ là một trong những mục tiêu trong danh sách cần quan sát của siêu kính viễn vọng James Webb 9 tỉ USD của NASA/ESA/CSA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ, châu Âu và Canada). Thật may mắn, hành tinh này nằm gần khu vực quan sát liên tục phía Bắc của James Webb.
Nghiên cứu về siêu Trái Đất đại dương TOI-1452b vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomical Journal.