Tin được không: Robot nay cũng biết nóng và toát mồ hôi để giải nhiệt mùa hè

Tương lai robot cũng sẽ cảm nhận được cái nóng như con người và có thể tự toát mồ hôi để làm mát cơ thể.

Toát mồ hôi là bản năng của con người để làm cơ thể mát mẻ hơn nhưng còn với robot, đây có lẽ là một trạng thái rất mới mẻ. Giống như con người, robot cũng phải hoạt động và sau một quá trình dài, nó sẽ nóng lên và hiệu suất giảm dần. Lúc này nó cần tản nhiệt để hệ thống hoạt động trơn tru hơn. Lúc này nó cần học cách toát mồ hôi giống con người để tỏa nhiệt tốt hơn.

Và các nhà khoa học đã tìm ra cách giúp robot có thể làm được điều như vậy. Đây là kết quả sau một quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ ĐH Cornell (New York, Mỹ).

Thành tựu khoa học mới: Robot cũng biết nóng, tự toát mồ hôi để giải nhiệt mùa hè - Ảnh 1.

Theo The Verge, hầu hết robot được làm từ kim loại và đây là vật liệu dẫn nhiệt tuyệt vời, giúp nó có thể tản nhiệt tốt hơn. Nhưng với những mẫu robot làm từ nhựa hoặc cao su và được thiết kế cho nhiều mục đích đặc biệt, chúng thường có khả năng tản nhiệt kém hơn và sẽ mất nhiều thời gian để hạ nhiệt.

Tuy nhiên bằng cách xây dựng tuyến mồ hôi bên trong robot, các nhà khoa học có thể giúp robot tản nhiệt tốt hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, robot có thể làm mát độc lập ngay cả khi ở trong những môi trường khắc nghiệt, không có các thiết bị làm mát bên ngoài.

Robert Shepherd, một thành viên trong nhóm nghiên cứu và đồng tác giả cho rằng, cơ chế "toát mồ hôi" này sẽ giúp robot có thể hoạt động mà không hề bị ràng buộc.

Nhóm nghiên cứu đã thử đặt một bể chứa nước, có áp suất bên trong các ngón tay và kết nối với bề mặt da của robot thông qua các ống dẫn làm bằng nhựa có thể phản ứng nhiệt. Khi bề mặt nhựa bao phủ robot chạm đến một nhiệt độ nhất định, lỗ hổng được ví như lỗ chân lông của con người sẽ mở ra và nước được đẩy lên bề mặt để làm mát.

Thành tựu khoa học mới: Robot cũng biết nóng, tự toát mồ hôi để giải nhiệt mùa hè - Ảnh 2.

Thomas Wallin, đồng tác giả nghiên cứu cho biết thêm, hệ thống này có thể tiết mồ hôi nhờ vào chính cấu trúc vật liệu của nó. Ngoài ra, hệ thống không cần thêm bất kỳ cảm biến nhiệt nào để xác định nhiệt độ vì lỗ hổng có thể tự điều tiết tùy theo môi trường.

Các nhà khoa học cũng lưu ý, tuyến mồ hôi của robot sẽ mang tới mục đích kép trong tương lai. Cùng với việc giải phóng nước để làm mát, nó có thể hút chất lỏng từ môi trường xung quanh để phân tích, tương tự như cách mẫu robot tự hành thu thập các mẫu đất trên các hành tinh xa xôi.

Tuy nhiên nhều người lo lắng rằng, cơ chế toát mồ hôi của robot cũng tồn tại một số nhược điểm.

Một là chúng ta sẽ cần phải cung cấp chất lỏng cho robot liên tục. Con người thường làm điều đó bằng cách uống nước nhưng robot sẽ cần một liệu pháp khác. Thứ hai nữa là mồ hôi không hữu ích nếu như robot phải hoạt động dưới nước, mặc dù trong nhiều tình huống, chính môi trường lại giúp robot làm mát.

Nhưng một trong những vấn đề lớn nhất đối với cơ chế làm mát bằng cách toát mồ hôi, đó là hiệu suất. Cơ chế này có thể gây ra các vấn đề về hiệu suất đối với chính robot, ví dụ như làm giảm ma sát tay của robot. Để phần nào giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã tiến hành mô hình hóa phạm vi nhiệt độ, trong đó sử dụng dụng cụ để điều tiết lượng mồ hôi ra một cách vừa đủ, tiết kiệm mà không gây hại.

Nghiên cứu cơ chế làm mát bằng cách toát mồ hồi trên robot đã được đăng tải trên tạp chí Science Robotics mới đây.

Tiến Thanh