Tín hiệu vô tuyến từ 5 thiên hà khác liên tục phát đến Trái Đất

Các nhà khoa học NASA đã giải mã được 5 nguồn bí ẩn đã truyền tín hiệu vô tuyến đến Trái Đất trong nhiều năm, là 5 thiên hà ở rất xa chúng ta.

Đó là dạng tín hiệu vô tuyến lặp đi lặp lại nhiều lần, cực ngắn và cực mạnh, gọi là "chớp sóng vô tuyến" (FRB). Chớp sóng vô tuyến là dạng tín hiệu gây tò mò rất nhiều trong giới thiên văn. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của chúng: từ vụ nổ siêu tân tinh cực dữ dội, từ sự va chạm của 2 sao neutron có từ trường cực mạnh..., hay từ một nền văn minh ngoài hành tinh.

Tuy nhiên CBS News dẫn lời NASA cho biết 5 nguồn tín hiệu vô tuyến lần này vẫn không phải là người ngoài hành tinh. Nghiên cứu có sự kết hợp của NASA, ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) và Đại học Califonia ở Santa Cruz (Mỹ), sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Hubble.

Tiến sĩ Alexandra Mannings từ Đại học Califonia ở Santa Cruz, tác giả dẫn đầu nghiên cứu cho biết 5 tín hiệu nói trên đều nằm gần hoặc trên các nhánh xoắn ốc của thiên hà mà chúng xuất phát. Khu vực này chính là các vùng tương đối trẻ của mỗi thiên hà, vẫn đang trong quá trình hình thành sao ồ ạt.

Tín hiệu vô tuyến từ 5 thiên hà khác liên tục phát đến Trái Đất - 3

Nhánh xoắn ốc của các thiên hà là nơi tin hiệu vô tuyến bắt nguồn - Ảnh: NASA/ESA

Trong bài công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal, các tác giả cho rằng các vụ nổ cũng không thể bắt nguồn từ cái chết của những ngôi sao trẻ này, càng không phải sự hợp nhất của sao neutron. Nó cũng không thể từ nền văn minh ngoài hành tinh bởi lẽ thế giới của những ngôi sao mới sinh không thể kịp hình thành các hành tinh đủ lâu đời cho một nền văn minh.

Họ nghiêng về giả thuyết các chớp sóng vô tuyến này được hình thành từ các vụ nổ sao từ, một dạng sao neutron có từ trường cực mạnh, có thể nói là nguồn từ trường mạnh nhất.

Các thiên hà gửi tín hiệu vô tuyến đến Trái Đất cách chúng ta từ 400 triệu đến 9 tỉ năm ánh sáng.