Cụ thể, Bắc Giang là tỉnh được cả đối tác cung ứng của Apple và Samsung đặt nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp.
Theo Cổng thông tin điện tử Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang là tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc), liền kề vùng kinh tế trọng điểm của Miền Bắc. Đặc biệt với chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển các Khu công nghiệp nên đã và đang là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trên địa bàn.
Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang có 8 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.792,5 ha và 5 khu công nghiệp đang hoạt động.
Các khu công nghiệp được quy hoạch nằm dọc theo Quốc lộ 1A mới Hà Nội - Lạng Sơn, đường tỉnh lộ 295, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không và các cảng sông, cảng biển.
Trong số các khu công nghiệp tại Bắc Giang, các khu công nghiệp được Tập đoàn Foxconn - nhà cung ứng linh kiện của Apple gồm có: Khu công nghiệp Đình Trám (Công ty Fuhong Precision Component), khu công nghiệp Vân Trung (Công ty New Wing Interconnect Technology), khu công nghiệp Quang Châu (TNHH chính xác Fuyu).
Hiện nay, Bắc Giang có khoảng 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho Samsung. Cụ thể, các công ty S-Connect BG Vina; Si Flex; Công ty TNHH Gigalane; Jeil Tech đặt nhà máy tại Bắc Giang để cung cấp linh kiện cho Samsung.
Trên thực tế, Bắc Giang hiện là tỉnh có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2023, Bắc Giang thu hút được 1,02 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, xếp thứ 2 cả nước chỉ sau Hà Nội. Năm 2023, Bắc Giang phấn đấu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD. Theo đó, tỉnh đã đạt gần 80% kế hoạch thu hút vốn đầu tư chỉ trong 5 tháng đầu năm.
Nhờ vào việc thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đến làm tổ, Bắc Giang đã có nhiều kết quả vượt bậc, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; trở thành điểm sáng của cả nước khi nền kinh tế duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn.
Cụ thể, năm 2022, quy mô kinh tế của Bắc Giang đã vượt qua Thái Nguyên và Vĩnh Phúc vươn lên vị trí thứ 13 toàn quốc, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tăng trưởng kinh tế đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước trong năm 2022.
Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tăng 31,5%, dẫn đầu cả nước trong năm 2022. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 43,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 8 cả nước.
Việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Bắc Giang, Các dự án FDI thu hút vào tỉnh Bắc Giang có quy mô khá lớn, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Ngay từ những ngày đầu năm 2023, Bắc Giang được nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư thực hiện dự án. Vốn đầu tư của Bắc Giang tăng mạnh do có tới 3 dự án đầu tư lớn, có vốn đầu tư trên 100 triệu USD.
Điển hình như dự án xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại Khu công nghiệp Tân Hưng, huyện Lạng Giang giữa Tập đoàn Yadea và CTCP Lideco 1 - chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Hưng, huyện Lạng Giang. Dự án được thực hiện trên diện tích đất khoảng 23,2 ha. Tổng vốn dự kiến đăng ký đầu tư khoảng 100 triệu USD. Thời gian triển khai trong quý II/2023.
Bên cạnh đó, Bắc Giang còn thu hút dự án "Nhà máy công nghệ chính xác Fulian" Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd do Công ty TNHH Fulian thực hiện tại Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên). Dự án được triển khai trên diện tích gần 50 ha. Mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông.
Hơn nữa, nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc) cũng đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với quy mô công suất 3.500 Mw/năm trong khu công nghiệp Hòa Phú (Hiệp Hòa). Dự án được triển khai từ quý I/2023. Tổng vốn đăng ký của dự án đến từ Singapore và Trung Quốc đạt khoảng 761 triệu USD.