Theo BGR, đầu năm nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một "quasi-moon" hay còn gọi là “mặt trăng giả” đang quay quanh Trái Đất. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ hơn thì đây thực chất chỉ là một tiểu hành tinh có tên 2023 FW13, nó hoàn toàn không quay quanh Trái Đất mà quay quanh Mặt Trời. Nhưng quỹ đạo này đã giữ cho nó ở gần hành tinh của chúng ta từ năm 100 trước Công nguyên đến nay.
2023 FW13 có chiều ngang 10 - 15 mét, gần bằng kích thước của một tòa nhà năm tầng, nhưng nó đã khiến giới quan sát bầu trời xôn xao do sở hữu quỹ đạo lạ lùng, nó đang được ước tính sẽ ở gần Trái Đất trong khoảng 1500 năm nữa.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện ra một "quasi-moon" gần Trái Đất. Trên thực tế, trước đây đã có một số cuộc gặp gỡ mà các nhà thiên văn học tin rằng họ đã tìm thấy một mặt trăng thứ hai quay quanh hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, 2023 FW13 là mặt trăng tồn tại lâu nhất trong số những “mặt trăng giả” từng được phát hiện.
Do không bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn, nên một số người tin rằng nó thậm chí có thể hữu ích trong việc hỗ trợ khởi động các sứ mệnh khám phá không gian sâu trong tương lai. Điều này là vì vị trí của 2023 FW13 khá gần với hành tinh của chúng ta, thêm vào đó là lực hấp dẫn thấp hơn của nó sẽ cho phép tàu vũ trụ có thể dễ dàng khởi hành và lao ra ngoài không gian tối tăm.
Nếu không có thay đổi, “mặt trăng giả” của Trái Đất sẽ là nơi thực hành tuyệt vời cho các sứ mệnh không gian sâu, vì các phi hành gia sẽ chỉ mất vài tháng để đến được tiểu hành tinh này. Từ đó, sẽ mở ra rất nhiều khả năng khám phá vũ trụ mà NASA đang mong muốn.
Việc tìm kiếm một mặt trăng thứ hai đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, được thúc đẩy một phần bởi việc giới khoa học liên tục phát hiện ra các mặt trăng mới quay quanh Sao Thổ và Sao Mộc. Mặc dù hành tinh nhỏ bé của chúng ta không thể có cùng cấp độ có mặt trăng giống như những ngôi sao lớn đó, nhưng việc tìm thấy một “mặt trăng giả” ít nhất sẽ giúp Trái Đất trở nên đặc biệt hơn một chút so với hiện tại.