Dự án VERA của Nhật Bản, sử dụng công cụ đo đạc thiên văn dựa trên dữ liệu vô tuyến, đã tái tạo được mô hình thiên hà Milky Way của chúng ta và lập bản đồ chi tiết nhiều vật thể bên trong nó.
Theo Sci-News, bản đồ mới này đã cho phép định vị lại hệ Mặt Trời, trong đó có hành tinh của chúng ta, đo đạc được khoảng cách giữa Trái Đất và lỗ đen ở trung tâm Milky Way là 25.800 năm ánh sáng, gần hơn đến 1.900 năm ánh sáng so với số liệu của Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) công bố năm 1985!
Như nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, trái với tên gọi truyền thống "Dải Ngân Hà", dựa trên hình ảnh về một dải sao sáng to lớn vắt ngang bầu trời Trái Đất, thiên hà Milky Way của chúng ta thực ra là một thiên hà dạng xoắn ốc với trung tâm là một lỗ đen "siêu quái vật" tên Sagittarius A*. Cho dù từ lâu đã biết được hình dạng thật của thiên hà, nhưng việc lập bản đồ của nó vô cùng khó khăn bởi chúng ta không thể nào nhìn tổng quan một thiên hà mà bản thân chúng ta đang nằm bên trong.
Theo bài công bố trên Publications of the Astronomical Society of Japan, VERA đã sử dụng một hướng tiếp cận gián tiếp: quan sát những vật thể gần Sagittarius A* để mô tả cấu trúc và chuyển động của Milky Way. Có nhiều kính thiên văn đặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tham gia vào công việc này.
VERA cũng phát hiện Mặt Trời đang di chuyển với vận tốc 227 km/giây, nhanh hơn giá trị được công nhận chính thức là 220 km/giây.
Hiện vẫn chưa rõ sai số rất lớn về khoảng cách giữa Trái Đất với lỗ đen "siêu quái vật" chỉ sau 35 năm là do bản thân thế giới của chúng ta di chuyển và thay đổi, hay các công cụ thiên văn cũ ước định chưa chính xác.