Google cùng NASA và một số công ty khai thác vệ tinh khác trên thế giới, công bố kho ảnh chụp Trái Đất từ trên cao lớn nhất, với số lượng ảnh lên đến hơn 2.500 bức ở độ phân giải 4K. Đây là những ảnh chụp được chọn lọc, cho thấy sự đa dạng của thiên nhiên, sự phong phú của cuộc sống con người.
Gã khổng lồ công nghệ cho biết hiện tại kho ảnh vệ tinh của họ đã chạm đến 98% nơi có con người sinh sống. Không chỉ phục vụ nhu cầu du lịch qua màn ảnh nhỏ, kho ảnh còn giúp giới nghiên cứu phát hiện ra nhiều điều mới lạ và thậm chí chưa ai biết đến trước đó.
Dưới đây là một số bức ảnh được Google giới thiệu trong bộ sưu tập đồ sộ của mình, để thấy được Trái Đất không chỉ có màu xanh của sự sống, mà ở đó còn là cuộc sống muôn màu đa sắc không một hành tinh nào khác có được.
Những bè nuôi cá ở Làng bè Long Sơn, huyện Tân Thạnh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành các khối vuông nằm nối liền nhau, đã lọt vào “mắt xanh” của ban biên tập ảnh Google Earth.
Các đảo nằm rải rác trong Vịnh Hạ Long tạo thành họa tiết tự nhiên, mang mảng màu xanh của cây cỏ đối lập với khung màu xanh nhạt của nền nước. Khu vực này nằm ở vùng biển giữa đảo Cát Bà và các đảo Vạn Cảnh, Ngọc Vừng,...
Sông Lena ở Nga, một trong những hệ thống sông ngòi lớn nhất thế giới với tổng chiều dài lên đến 4.400 km ở tất cả các nhánh. Đây là nơi tập trung nhiều quần thể sinh vật sống đa dạng của khu Siberia.
Sông Mississippi chảy qua thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ, như bị bao vây bởi các khối vuông của nhà cao tầng và cánh đồng nông nghiệp ở xung quanh.
Bức ảnh này đã được chỉnh sửa màu, nhằm nhấn mạnh các chi tiết tại khu vực hạ lưu Tây Australia. Đây là nơi giao nhau giữa sông chảy từ đất liền đổ vào biển, màu sắc thay đổi cho thấy hàm lượng phù sa và mật độ địa hình khác nhau
Núi lửa Manam vào năm 2010 đã phun trào, tạo nên một hòn đảo mới rộng hơn 9 km ở ngoài khơi Papua New Guinea. Đám mây phun ra từ núi lửa gây khó hiểu cho giới khoa học, bởi nó mang một màu trắng tinh khôi thay vì màu xám của tro, khói.
Hồ Carnegie ở Australia được dân địa phương gọi là “hồ phù du”, bởi nó chỉ có nước khi có mưa, thời gian còn lại nó khô khốc đến thấy cả đáy bùn và trở thành đầm lầy nếu rơi vào tình trạng khô hạn kéo dài.
Vịnh Bombetoka ở tây bắc Madagascar là nơi đổ nước từ hệ thống kênh Mozambique và sông Betsiboka ra biển, lưu lượng nước ở đây rất lớn.
Thực vật phù du sinh trưởng mạnh mẽ ở ngoài khơi bờ biển phía tây Iceland, cho thấy hoạt động sống đa dạng của hệ sinh thái biển khu vực này.
Giống như tranh vẽ của danh họa Van Gogh, sinh vật phù du tạo thành những xoáy nước khổng lồ đang tràn vào những vùng nước sẫm màu quanh đảo Gotland thuộc vùng biển Baltic của Thụy Điển.
Cấu trúc đặc biệt trong ảnh được gọi là Richat, một hệ tầng địa chất nằm sâu trong hoang mạc Mauritania. Cấu trúc này được tạo ra khi vòm núi lửa bị đông cứng và xói mòn đi, lộ ra các lớp đá cứng và nhìn tổng quan chúng có dạng như một củ hành tây.
Những ốc đảo và nguồn nước tự nhiên nằm giữa sa mạc ở Al-Hasa, Arab Saudi từ lâu đã trở thành nơi dừng chân cho các đoàn người du mục, trông rất trừu tượng khi quan sát từ trên cao.
Pico del Teide là một ngọn núi lửa ở Tenerife. Với độ cao 3.718 mét, đây là điểm cao nhất ở Tây Ban Nha.
Boutilimit, Mauritania là một sa mạc khô cằn. Những họa tiết vàng nằm xen lẫn trong ảnh là một loại cây chịu hạn đặc trưng của vùng và mọc rất phổ biến.
Dãy Andes, dãy núi lục địa dài nhất trên thế giới, đoạn chạy qua Argentina.