Công trình thực hiện bởi Viện nghiên cứu Tác động khí hậu Postdam (Đức). Theo đó, họ đã tạo nên một mô hình khí hậu bằng máy tính để biết thêm về những thay đổi toàn cảnh của Trái Đất trong tương lai.
Theo đó, với tốc độ ấm lên toàn cầu đang xảy ra, các nhà khoa học cho rằng toàn bộ băng giá ở Nam Cực sẽ biến mất, lộ ra một lục địa với đất đai như những lục địa khác hiện nay, và có thể được phủ xanh – điều đã từng xảy ra trong kỷ Phấn Trắng, thời của loài khủng long.
Đáng sợ là ở chỗ khi Nam Cực thoát khỏi lớp vỏ băng giá chết chóc và hồi sinh, thì cũng là lúc các phần đang thích hợp để sống của Trái Đất hiện tại sẽ trở nên cực kỳ nóng bức, điều được cho là gây nên khủng hoảng di dân và lương thực, có thể xảy ra chiến tranh trên diện rộng.
Chưa kể, khối băng khổng lồ bị tan chảy ở 2 cực sẽ khiến mực nước biển dâng lên rất cao, nhấn chìm nhiều vùng đất đang có người sinh sống hiện tại, bao gồm các thành phố nổi tiếng như London, Tokyo hay New York.
Mô hình mô tả quá trình mất băng của Nam Cực - ảnh: Viện nghiên cứu Tác động khí hậu Postdam
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu này, chỉ cần nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 4 độ C, mực nước biển sẽ tăng tận 20 m.
Các tác giả tính toán rằng thời kỳ Nam Cực không có băng sẽ phải kéo dài suốt 150.000 năm cho đến khi Trái Đất kịp hồi phục.
Theo nhà khoa học khí hậu Ricarda Winkelmann, thành viên nhóm nghiên cứu, giai đoạn này có thể chỉ xảy ra trong vài thiên niên kỷ, nhưng trong vòng 80 năm tới, băng có thể tan đủ để gây nên những hậu quả lớn cho các thành phố vùng trũng nói trên và nhiều miền đất ven biển khác, nếu chúng ta không có cách ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.