Chỉ một vài năm trước đây thôi, muốn có những cấu hình "khủng" thì người dùng sẽ phải bỏ ra số tiền lớn để mua các sản phẩm cao cấp. Dòng sản phẩm Galaxy M-series với sản phẩm mới nhất là Galaxy M12 đã khẳng định rằng điều này không còn là đúng nữa. Nằm ở phân khúc 3 triệu đồng bình dân, nhưng chiếc smartphone này lại được trang bị màn hình lớn 6.5 inch nổi bật với tần số quét 90Hz, kèm theo đó là viên pin 6000mAh dùng suốt ngày dài mà không lo hết.
Chưa dừng lại ở đó khi hệ thống camera của Galaxy M12 cũng có rất nhiều điều đáng nói. Máy sở hữu hệ thống 4 camera sau và một chiếc dành cho selfie đem lại tính đa dụng cao, sẵn sàng cho các trường hợp nhiếp ảnh khác nhau. Thông số "khủng" là một chuyện, còn sử dụng trên thực tế thì hệ thống chụp hình của máy có đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng hay không?
Thông số ấn tượng nhất trong hệ thống chụp hình của Galaxy M12 là camera chính với độ phân giải cao 48MP. Trong điều kiện chụp thông thường, camera này sẽ thực hiện "gộp" những điểm ảnh lân cận lại với nhau để tạo ra một bức ảnh 12MP, vừa để tiết kiệm dung lượng lưu trữ vừa tăng khả năng thu nhận ánh sáng. Với chế độ mặc định, camera chính cho ra các bức ảnh với màu sắc hài hòa, đã không còn bị ngả màu như các sản phẩm trước đây của Samsung.
Ảnh chụp 48MP (trái) và chụp tự động 12MP (phải)
Một ưu điểm của chế độ 12MP so với 48MP là khả năng xử lý HDR (cân bằng sáng) được thực hiện tốt hơn, giúp cho những cảnh có nhiều vùng tối và sáng đối lập như bức ảnh chụp cây hoa giấy phía trên trở nên đẹp hơn. Đây cũng có thể là do sức mạnh xử lý ảnh của Galaxy M12 chưa thể theo kịp được với các sản phẩm cao cấp, nên những bức ảnh độ phân giải thấp sẽ dễ dàng được hậu kỳ, xử lý so với ảnh độ phân giải cao.
Chính vì vậy mà chế độ 48MP sẽ được để dành cho những điều kiện ánh sáng đều, lý tưởng để thu nhận được độ nét cao nhất. Còn với những cảnh có ánh sáng phức tạp hơn thì bạn chỉ cần giơ máy lên và bấm chụp, Galaxy M12 sẽ cho ra bức ảnh tốt nhất mà máy có thể thực hiện được.
Để hỗ trợ camera chính chụp ảnh chân dung, Galaxy M12 được trang bị một cảm biến đo chiều sâu 2MP. Rất khó để một smartphone tầm giá rẻ có thể sở hữu thuật toán xóa phông tiên tiến được như các sản phẩm đắt tiền, nhưng M12 cũng đã thực hiện đủ tốt việc cắt được đúng người ra khỏi nền ảnh và tạo ra một lớp mờ "mềm mại".
Khi zoom lớn ta vẫn sẽ thấy một vài khuyết điểm trên tóc của người được chụp hay những chi tiết nhỏ như kính, điều này cũng có thể chấp nhận được khi nhìn một cách tổng thể ta vẫn có một bức ảnh chân dung thuận mắt.
Điểm yếu của camera chính nằm ở việc hãng không trang bị khả năng chụp đêm (Night Mode) cho nó, nên những bức ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu sẽ không được đẹp. Ở những vùng tối của ảnh ta có thể nhìn thấy những hạt nhiễu, vì máy không chụp trong thời gian dài hoặc ghép nhiều ảnh lại với nhau mà chỉ đơn giản là chụp một bức ảnh duy nhất mà thôi.
So với ảnh chụp từ camera chính, camera macro có thể tới gần chủ thể hơn rất nhiều
Muốn khám phá những sự vật tí hon? Galaxy M12 cũng có thể đáp ứng được với chiếc camera macro độ phân giải 2MP của mình. Đây là một camera macro thế hệ cũ, với khoảng lấy nét được cố định trong tầm 3-5cm nên người dùng sẽ phải lấy nét bằng cách đưa máy vào gần, ra xa chứ không thể nhấn lên màn hình để lấy nét tự động.
Camera này đòi hỏi người dùng phải có một chút làm quen trước khi sử dụng được thành thạo, tuy vậy một khi đã biết cách sử dụng thì sẽ đem tới trải nghiệm rất "vui vẻ". Như trong bức ảnh phía trên, nếu như không có camera macro tôi sẽ không thể chụp được rõ từng chi tiết nhụy của bông hoa giấy, khi mà khoảng cách lấy nét của camera chính là xa hơn rất nhiều.
Trong tầm giá bình dân, loại camera rất hay bị các nhà sản xuất lược bỏ là camera góc siêu rộng, nhưng Samsung vẫn trang bị nó cho Galaxy M12. Đây là một loại camera rất hữu dụng trong việc chụp những cảnh vật to lớn, kèm theo đó là tạo một góc nhìn thoáng đãng, gây ấn tượng được với người xem ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Camera siêu rộng của Galaxy M12 chỉ có độ phân giải là 5MP mà thôi, nên việc nó có độ nét không thể bằng được camera chính là điều ta đã có thể dự đoán được trước. Nó sẽ tạo ra những bức ảnh tốt nhất trong điều kiện đầy đủ sáng, và người dùng chụp để sử dụng luôn chứ không qua các bước cắt, zoom sau đó.
Nếu như để ý, bạn sẽ nhận ra rằng ta đã trải nghiệm chất lượng của 4 chiếc camera sau của Galaxy M12, và thứ mà hệ thống này thiếu là camera zoom. Việc thiếu đi camera zoom khiến M12 mỗi khi chụp các bức ảnh từ xa sẽ phải crop từ ảnh từ camera chính, nên độ nét sẽ phụ thuộc vào việc người dùng zoom xa đến đâu. Trên thực tế, các bức ảnh ở ngưỡng 2x - 4x vẫn có đủ độ nét để có thể đăng lên mạng xã hội, khi đến tầm 5x đến 10x (mức tối đa mà máy cho phép) thì ảnh đã bắt đầu vỡ nét và không còn đẹp nữa rồi.
Cuối cùng ta có một camera selfie với độ phân giải 8MP được đặt trong một vết cắt Infinity-V để tiết kiệm diện tích dành cho màn hình. Camera "tự sướng" đem lại chất lượng ảnh ở mức trung bình, nếu như được cung cấp đầy đủ ánh sáng sẽ không tạo ra nhiều nhiễu, giữ được màu sắc tươi sáng, hồng hào. Nhược điểm của camera selfie là không có những biện pháp chống rung, nên khi chụp ảnh đòi hỏi phải giữ chắc máy chứ không thể vừa "vung vẩy" vừa chụp được.
Qua đánh giá thực tế, Galaxy M12 bộc lộ một vài điểm yếu trong hệ thống chụp hình như camera siêu rộng không có độ nét cao, khả năng chụp đêm còn yếu cũng như thiếu đi camera zoom để chụp các cảnh vật ở xa. Nhưng ta cũng phải trở lại với tầm giá của chiếc smartphone này, trong tầm giá 3 triệu đồng ta không thể đòi hỏi một hệ thống camera hoàn hảo được. Camera chính 48MP với chất lượng tốt, kèm sự đa dạng về tiêu cự (góc nhìn) để khám phá nhiều thể loại nhiếp ảnh sẽ là thế mạnh mà người dùng nên để tâm ở Galaxy M12.