Đầu năm 2017, Intel giới thiệu nền tảng Kaby Lake với chipset Intel 200 series. Ngay lập tức các hãng sản xuất cũng khiến thị trường tràn ngập với những hệ thống CPU và mainboard dành cho thế hệ CPU mới. Thế nhưng giờ đây chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa, ngoài việc đổi tên và đổi nền tảng cũng như hỗ trợ công nghệ Intel Optane tăng tốc HDD ngang SSD, thì Kaby Lake chẳng có quá nhiều thay đổi đáng kể so với người tiền nhiệm, Skylake ra mắt cuối năm 2015.
Câu chuyện trở nên kịch tính hơn bao giờ hết khi vài tháng sau khi Kaby Lake ra mắt, AMD tung ra dòng CPU Ryzen, đảo lộn mọi giá trị thị trường mà Intel đang cố gắng xây dựng vài năm gần đây. Quãng thời gian nghiên cứu của đội đỏ đã tạo ra một đoàn quân đủ sức cạnh tranh 1 chọi 1 với bất kỳ sản phẩm nào của Intel, nhất là ở tầm trung và bình dân.
Kết cục, chiến lược nâng cấp nền tảng CPU của Intel phải thay đổi hoàn toàn. Không còn những model i7 4 nhân 8 luồng như trước và bắt game thủ, streamer và người sử dụng chuyên nghiệp phải lựa chọn HEDT đắt đỏ để có thêm nhiều nhân xử lý như trước đây nữa. Giờ đây với Coffee Lake, ngay cả model tầm trung, Core i5 8400 hay cao hơn là 8600K với khả năng ép xung cũng có 6 nhân và 6 luồng xử lý.
Trong bài đánh giá chi tiết trước, chúng tôi đã đem tới cho các bạn độc giả một cái nhìn toàn cảnh về Core i5 8400, đối thủ mới của Ryzen khi có mức giá rẻ nhưng có tới 6 nhân xử lý. Tồn tại đủ những đặc điểm khiến cho Core i5 8400 trở nên hợp lý trong mắt game thủ có túi tiền không mấy dư dả, mà vẫn đáp ứng rất tốt nhu cầu chơi mọi game từ eSports, game online cho đến game offline đòi hỏi cấu hình cao mà chi phí cho một cỗ máy tính không quá lớn như thế hệ CPU trước đây. Thế nhưng trong mắt người sử dụng tầm trung, cận cao cấp, thì 8400 không đáp ứng được hết mọi nhu cầu của họ, đơn giản là vì xung nhịp thấp, và không hỗ trợ ép xung.
Điều đó dẫn chúng ta đến phép thử thứ hai, đó là con chip CPU tầm giá cao hơn i5 8400, đó là i5 8600K. Với mức giá 6,4 triệu Đồng, nó chỉ rẻ hơn so với Core i7 8700 và 8700K mà thôi. Tuy nhiên điều tốt là, với chứ "K" ở cái tên, bạn có thể ép xung chiếc CPU này một cách thoải mái chứ không bị gò bó với con số 4.3 GHz turbo boost mặc định nữa. Và đó chính xác là những gì chúng tôi làm trong bài thử nghiệm lần này.
Kết quả là, trên nền tảng bo mạch chủ MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC, con chip CPU tưởng bị "dìm" xuống tầm trung hóa ra lại có khả năng chơi game hoàn hảo mà thế hệ trước khó lòng có thể sánh được bằng. Bản thân BIOS của chiếc mainboard cũng cho phép người dùng ép xung một cách rất đơn giản, hoặc sử dụng Profile XMP đồng bộ hóa cả RAM lẫn xung nhịp CPU, hoặc tự điều chỉnh xung nhịp, Vcore để CPU chạy ổn định nhất. Trong thử nghiệm chơi game, chúng tôi đặt i5 8600K ở mức xung nhịp 5.0 GHz, Vcore Adaptive, đi kèm với đó là cấu hình chi tiết như sau:
CPU: Core i5 8600K 5.0 GHz
Mainboard: MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC
RAM: 32GB G.Skill TridentZ 3600MHz
Card đồ họa: MSI GTX 1080 Gaming X
Ổ cứng: Kingston SSDNow V3 240GB (Windows), Kingston UV400 480GB (Game)
Tản nhiệt CPU: Corsair H115i
Nguồn máy: Corsair CX650M
Màn hình: LG 34UG79G 144Hz, độ phân giải 2560x1080 pixel
Kết quả thử nghiệm
Sẽ là bất công cho các bạn game thủ của chúng ta, nếu Playerunknown's Battlegrounds không phải là tựa game đầu tiên được cho "lên sàn" đo đạc FPS và khả năng hoạt động của máy tính cũng được đánh giá phần nào dựa trên tốc độ khung hình của tựa game sinh tồn bom tấn đang được nhà nhà người người đua nhau thưởng thức. Và dưới đây là setting trong game của chúng tôi, vừa loại bỏ được hầu hết hiệu ứng rườm rà không cần thiết, vừa cân bằng được giữa khả năng nhìn tầm xa của nhân vật, vừa đảm bảo hình ảnh trong game không quá tệ hại:
Kết quả là, kể từ khi nhảy dù cho đến khi chạm đất, FPS luôn dừng ở ngưỡng từ 110 đến 144 FPS, không bao giờ xuống dưới khoảng này. Thậm chí có những khu vực nhà cửa rất đông như Polyana hay Lipovka, tốc độ khung hình vẫn ở mức 120 FPS.
Một trong những cảnh nặng nhất trong game là ở hòn đảo nơi người chơi bắt đầu đếm ngược để nhảy dù. Với đủ 100 người đứng trong một khu vực rất hẹp, đó là thời điểm FPS sụt xuống thấp nhất đối với mọi game thủ, bất kể hệ thống họ sử dụng mạnh tới đâu. Kết quả là ở thời điểm đầu trận đấu như thế này, tốc độ khung hình bị sụt xuống chỉ là 85 đến 90, nhưng vẫn vượt xa con số 60 FPS mà game thủ thường mơ ước. Game mượt như thế này, vào top 1 cũng không phải là điều quá khó khăn:
Kế đến là một vài game đỉnh mới ra mắt cộng đồng game thủ thời gian qua. Tôi đã chơi thử và stream Hitman lên YouTube Gaming, sử dụng OBS Studio 64bit, để xem 2 trong số 6 nhân xử lý đảm nhiệm việc stream game cho 4 nhân còn lại tự do xử lý game tốt đến đâu, và quả thực Intel không nói chơi.
Tốc độ khung hình khi không stream và khi đang stream lên YouTube không có khác biệt, ngay cả khi đẩy chất lượng đồ họa của tựa game bom tấn này lên ngưỡng Ultra, luôn nằm ở mức 90 đến 120 FPS phụ thuộc khu vực có đông người hay không. Ngay cả ở một cảnh game trong khán phòng có cả trăm người, FPS vẫn hơn 100, và khi stream game, tài nguyên máy không phải chia sẻ để làm cùng lúc 2 tác vụ, dẫn tới trải nghiệm game mượt nhất có thể cho các streamer:
Kế đến là tựa game kinh dị mới ra mắt, The Evil Within. Có vẻ như tựa game của người Nhật Bản tối ưu chưa ổn cho lắm vì hình ảnh cũng không đến mức quá chân thực nhưng FPS luôn chỉ nằm ở mức 48 đến 65 FPS ở độ phân giải 2560x1080. Điều kỳ lạ là, khi hạ chất lượng đồ họa từ Ultra xuống High, tốc độ khung hình không có khác biệt. Điều này chứng tỏ rằng khi hạ độ phân giải xuống 1920x1080, tốc độ khung hình sẽ ổn định hơn rất nhiều:
Cuối cùng là một tựa game tuy cực đẹp nhưng lại rất kén người chơi, Project Cars 2, thiết lập đồ họa Ultra. Tương tự như Hitman, Project Cars 2 cũng có tốc độ khung hình cực kỳ ổn định, từ 75 đến 90, thấp hơn Hitman một chút nhưng các bạn có thể thấy chất lượng hình ảnh rất tốt, những cỗ xe trong game được mô phỏng chính xác đến từng chiếc lốp:
Như vậy, khả năng chơi game, stream game, bất kể thể loại và độ nặng của đồ họa game đã được i5 8600K chứng minh. Vậy còn nhiệt độ? Khi MSI cung cấp cho chúng tôi chiếc mainboard để đánh giá, trong BIOS, chỉ số mặc định xung nhịp của 8600K được (ai đó) đặt ở mức 5,2GHz, và để an toàn, cũng như mát nhất có thể, chúng tôi hạ nó xuống 5.0 GHz. Kết quả là mặc dù kéo con CPU lên một mức không thể tin nổi nếu sử dụng CPU thế hệ trước, nhưng nó hoạt động cực kỳ mát mẻ, chơi game chỉ 65 đến 70 độ C mà thôi.
Cuối cùng, xin chân thành cám ơn MSI Việt Nam đã hỗ trợ phần cứng để chúng tôi có thể hoàn thành bài viết này.