Trong thế giới ngày nay, nếu bạn thường xuyên lướt web hay sử dụng các dịch vụ trên mạng, thì hãy biết chắc một điều rằng: trên Internet, không hề có thứ gọi là quyền riêng tư.
Các dịch vụ và ứng dụng trên internet có vẻ như đã và đang hỗ trợ rất nhiều cho con người trong cuộc sống, giúp chúng ta làm việc tốt hơn hay cung cấp cho loài người kho kiến thức vô tận. Thế nhưng đằng sau nó vẫn ẩn chứa nhiều vấn đề, đặc biệt là việc lợi dụng sự cả tin của người dùng để làm "những việc mờ ám" của các nhà cung cấp dịch vụ và ứng dụng như bí mật thu thập thông tin của người dùng để kiếm lời - bán cho các bên thứ ba, hay tệ hơn là việc hack người dùng (của các hacker) để đánh cắp tiền trong tài khoản, đòi tiền chuộc,...
Trong khuôn khổ của bài viết này, trang TechRadar đã đưa ra "cái nhìn tổng thể" về gã khổng lồ tìm kiếm Google, từ những bước đường đi lên cho đến các "mánh khóe" kiếm ăn từ mạng internet, để chúng ta thấy được rằng, dẫu rất hữu ích và đã trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu, nhưng internet vẫn là "một cái bẫy".
Google đang "soi" vào mọi ngóc ngách để tìm kiếm thông tin của người dùng với hàng loạt ứng dụng cúa hãng. |
Theo TechRadar, ban đầu Google chỉ là một công cụ tìm kiếm hữu ích, với tham vọng lập chỉ mục toàn bộ internet, và với khẩu hiệu "Đừng làm điều ác", đã được Google khắc sâu vào quy tắc ứng xử của mình trong suốt những năm khởi đầu - những ngày đầu của internet vào năm 1998.
Còn cái tên Google xuất phát từ chữ "Googol", với ý nghĩa sức mạnh từ 10 đến 100, hay nói cách khác, đây là một con số lớn ảo diệu.
Khi công ty ngày càng phát triển, Google đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực nội dung trực tuyến khác, bao gồm dịch vụ webmail - phổ biến nhất là Gmail, bộ công cụ văn phòng trực tuyến Google Documents, kho lưu trữ đám mây Google Drive, và hệ thống bản đồ/điều hướng Google Maps.
Cùng với đó, Google còn phát triển các hệ điều hành lấy nhân từ Linux, bao gồm Android OS sử dụng trên đại đa số các smartphone ngày nay, và Chrome OS sử dụng trên các laptop Chromebook. Và mọi bức ảnh bạn đã chụp từ smartphone của mình đều được đưa lên Google Photos theo những cách không thể tự nhiên hơn.
Cuối cùng, đừng quên trình duyệt web Chrome do Google phát triển, hiện đã có mặt trên rất nhiều nền tảng và chiếm đến 2/3 thị phần trình duyệt web toàn cầu - tính đến tháng 9/2018. Với hầu hết người dùng trên thế giới, Google và các sản phẩm của Google có mặt ở khắp mọi nơi.
Thế nhưng mãi cho đến nay, vấn đề bí mật thông tin cá nhân mới nổi lên và những câu hỏi về dữ liệu cá nhân mới được đặt ra. Với quá nhiều con đường cho phép họ thu thập dữ liệu như trên, Google nhanh chóng tập hợp được một lượng lớn thông tin về mỗi người dùng. Và điều này làm dấy lên một câu hỏi: "Công ty sẽ làm gì với số dữ liệu này?" - Câu trả lời ở đây là: "Để kiếm tiền, và phục vụ cho việc cá nhân hóa quảng cáo". Nó còn được biết đến với một tên gọi khác là "Quảng cáo hướng đối tượng."
Quảng cáo hướng đối tượng đặc biệt có giá trị, khi mà thay vì chỉ hiển thị những quảng cáo ngẫu nhiên đến những người ngẫu nhiên như quảng cáo truyền thống trên truyền hình, radio hay tờ rơi, Google có thể nhắm quảng cáo đến những người dùng cụ thể.
Bạn có thể thường xuyên thấy quảng cáo hướng đối tượng khi một người dùng tìm kiếm một món đồ trên Google Search, và trong một vài phiên duyệt web sau đó, hay thậm chí trên một thiết bị khác, sẽ có vô số các quảng cáo xuất hiện liên quan đến không chỉ món đồ mà bạn đã tìm kiếm, mà còn xuất hiện cả những sản phẩm cạnh tranh trong cùng danh mục với món đồ đó. Ở đây, Google đã giả định rằng, nếu bạn đã tìm (để mua) một món đồ nhất định, bạn sẽ là một khách hàng tiềm năng đối với mọi sản phẩm bạn định chọn và nó đã liệt kê ra.
Nói một cách công bằng, Google khẳng định họ không bán thông tin cá nhân của bạn cho bất kỳ ai, và công khai nhấn mạnh rằng dữ liệu này được thu thập để cá nhân hóa quảng cáo. Nhưng chúng ta hãy cùng xem, chính xác là những dữ liệu này đến từ đâu, và Google đã thu thập được bao nhiêu.
Có thể nói, mọi thứ đã bắt đầu với tìm kiếm. Công cuộc thu thập dữ liệu của Google bắt đầu với bộ máy tìm kiếm của hãng, khi mà nó sẽ lưu giữ mọi chủ đề bạn đã tìm kiếm. Công ty sau đó sẽ hiển thị các quảng cáo liên quan đến các tìm kiếm kia, đồng thời theo dõi những quảng cáo nào người dùng đã bấm vào để đánh giá sự hào hứng, từ đó tung ra nhiều quảng cáo hướng đối tượng hơn. Sau đó, Google sẽ tiếp tục đối chiếu một danh sách gồm toàn bộ các chủ đề có liên quan đến một cá nhân cụ thể.
Ngoài ra, Google còn lấy dữ liệu từ điện thoại di động của bạn và xây dựng nên một danh sách tổng quát về những thông tin cá nhân của bạn, bao gồm tên, biệt danh, email, số điện thoại, ngày sinh, giới tính và địa điểm.
Bên cạnh công cụ tìm kiếm, dịch vụ webmail của Google cũng là một thứ cần quan tâm, khi mà Gmail luôn duy trì một danh sách gồm mọi liên hệ bạn đã từng gửi hoặc nhận email. Thoạt nhìn, có vẻ như Gmail đang giúp bạn gửi, nhận email cho ai đó được nhanh hơn (bạn khỏi nhớ, thậm chí có thể nhập nhầm), nhưng một yếu tố đang gây tranh cãi ở đây là: nội dung các email chúng ta đã gửi đi và nhận về cũng bị Google đem ra phân tích vì mục đích quảng cáo hướng đối tượng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Google được cho là đã ngừng quét email của người dùng, mặc dù các ứng dụng bên thứ 3 vẫn làm điều này. Ví dụ, một ứng dụng được tích hợp với Gmail để phục vụ việc lên kế hoạch cho các chuyến đi của bạn chẳng hạn.
Không chỉ vậy, các dịch vụ khác của Google cũng cung cấp thêm dữ liệu để hãng thu thập và phân tích. Một số khá hiển nhiên, như nội dung các đoạn chat trong Google Hangouts. Tuy nhiên, một số khác có lẽ không dễ dàng nhận ra lắm - như Google Photos, nơi Google thu thập dữ liệu về người và các địa điểm được đánh dấu, và các hình ảnh được phân tích để ứng dụng này có thể gộp nhóm những hình ảnh chó và mèo lại với nhau chẳng hạn. Hơn thế nữa, Google còn phân tích các hình ảnh bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định ai trong bức hình, và chính vì lý do này, họ đã phải chịu một vụ kiện liên quan quyền riêng tư sinh trắc học tại bang Illinois (Mỹ).
Thêm vào đó, Google còn sử dụng dịch vụ Google Maps phổ biến của mình để thu thập thông tin qua trình duyệt desktop và smartphone. Để dịch vụ này hoạt động được, người dùng cần cung cấp một số dữ liệu cá nhân như địa chỉ nhà và nơi làm việc để việc điều hướng dễ dàng hơn.
Trong việc này, Google cũng nhanh chóng vượt quá giới hạn cho phép khi không chỉ theo dõi những địa chỉ người dùng tìm kiếm mà còn những nơi họ đi mỗi ngày, bao gồm chiều dài quãng đường đi (lái xe và đi bộ), những cửa hàng/nhà hàng họ ghé qua, lượng thời gian họ dành ở những nơi đó,... Chẳng hạn, Google sẽ biết được bạn từng dừng lại ở một đại lý xe hơi, ghé một điểm đổ xăng,... trong ngày, và sau đó sử dụng thông tin này sẽ được Google sử dụng để phục vụ các quảng cáo liên quan xe hơi.
Nếu bạn không dùng Google Maps và chuyển sang một dịch vụ phổ biến khác là Waze, bạn nên nhớ rằng Google cũng sở hữu luôn dịch vụ này, và nó cũng thu thập những bộ dữ liệu giống hệt nhau.
Dữ liệu vị trí này được xem là đủ chính xác đến mức trong nhiều trường hợp, cảnh sát còn sử dụng chúng để điều tra các vụ án nghiêm trọng. Bạn có thể xem dòng thời gian của mình và sẽ thấy được những nơi bạn đã từng đến, và những chuyến đi của bạn đã được Google ghi lại mỗi ngày, kéo dài trong nhiều năm liền.
Đến đây, bạn đã thấy Google"ghê gớm" đến mức nào, nhưng đó chưa phải là hết. Google vẫn còn nhiều dịch vụ khác, bao gồm Google Calendar với chức năng theo dõi lịch hẹn - chúng ta sẵn sàng "dâng" cho Google mọi dữ liệu liên quan các sự kiện xã hội của mình để đổi lấy việc có được một cuốn sổ ghi lịch hẹn trực tuyến có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Hay như Google News - Một nguồn thu thập thông tin khác của Google. Dịch vụ này biết bản tin nào bạn đang xem, và nhanh thôi, nó sẽ suy ra được những sở thích cũng như những yếu tố khác như xu hướng chính trị của bạn - đó là những thông tin rất có giá trị nhằm hướng bạn tham gia vào một cuộc quyên góp tiềm năng chẳng hạn. Hoặc Google Fit, cũng là một mỏ vàng dữ liệu khác của Google. Đây cũng là một ứng dụng thú vị, có thể theo dõi hoạt động của người dùng trong suốt một ngày dài, có nghĩa là Google sẽ biết một người năng động hay lười nhác như thế nào.
Rồi các dữ liệu khác của người dùng cũng được Google thu thập từ việc tìm kiếm các tài liệu, được tạo ra bởi bộ ứng dụng văn phòng trực tuyến G Suit của Google, và những thứ được lưu trữ trong Google Drive của người dùng. Ngoài ra, Google còn sở hữu trang web stream video YouTube, và hẳn bạn đã biết, công ty theo dõi mọi video bạn đã xem!
Tóm lại, dù Google đã giúp chúng ta hình thành nên một nền tảng internet hiện đại, với nhiều dịch vụ của hãng, nhưng ở chiều ngược lại, bạn bị buộc phải đánh đổi bằng dữ liệu cá nhân của chính mình, dưới nhiều hình thức mà hầu hết chúng ta khó có thể nhận ra được.
Có nhiều cách để thoát ra khỏi bóng mây của Google, bao gồm tắt tính năng thu thập dữ liệu khi có thể và sử dụng các dịch vụ không phải của Google, dù trong hầu hết các trường hợp, việc này giống như "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" - nếu không trao dữ liệu cho Google, bạn có lẽ đang trao dữ liệu cho những ông lớn công nghệ khác như Apple hay Microsoft, những công ty chẳng tốt lành hơn là bao.
Vậy nên, trong thế giới ngày nay, nếu bạn không sử dụng những cách thức tốt hơn ở trên, như lướt web với một VPN, hay sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ẩn danh, thì hãy biết chắc một điều rằng: trên internet, không hề có thứ gọi là quyền riêng tư.