Trở lại sau COVID-19, Panasonic đầu tư ngàn tỉ xây 2 nhà máy mới

Ngay sau đại dịch COVID-19, Panasonic đã xây dựng thêm các nhà máy để mở rộng quy mô sản xuất thiết bị điện.

Panasonic cho biết, công ty con của họ là Electric Works sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vật tư - thiết bị điện xây dựng tại Việt Nam với mức doanh thu kỳ vọng lên đến 10.000 tỉ đồng vào năm tài chính 2030, tăng khoảng 3,5 lần so với năm tài chính 2021.

Theo đó, Electric Works xây dựng 3 chiến lược “Xây dựng hệ thống phát triển sản phẩm địa phương”, “Tăng cường năng lực sản xuất thiết bị nối dây và thiết bị IAQ tại địa phương” và “Đề xuất giải pháp cho các danh mục sản phẩm thông qua hợp tác đồng sáng tạo với các doanh nghiệp trong nước”.

Trở lại sau COVID-19, Panasonic đầu tư ngàn tỉ xây 2 nhà máy mới - 1
Trở lại sau COVID-19, Panasonic đầu tư ngàn tỉ xây 2 nhà máy mới - 2

Để có thể nhanh chóng phát triển các sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề và đáp ứng nhu cầu địa phương, công ty Electric Works sẽ từng bước xây dựng hệ thống quy hoạch và phát triển sản phẩm trong hạng mục thiết bị nối dây, thiết bị chiếu sáng và thiết bị IAQ (thiết bị chất lượng không khí trong nhà) cho thị trường Việt Nam.

Đối với thiết bị chiếu sáng, công ty Electric Works sẽ thành lập bộ phận kiểm tra chất lượng dựa trên những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Nhật Bản. Các nhà cung cấp địa phương sẽ được chia sẻ các tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát chất lượng nhằm phát triển chuỗi các nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM) trong năm tài chính 2023.

Đối với lĩnh vực IAQ, trong năm 2021, một nhà máy mới chuyên sản xuất thiết bị IAQ như quạt trần và quạt thông gió liên doanh cùng Công ty TNHH Panasonic Ecology Systems đã được đưa vào hoạt động tại tỉnh Bình Dương và sẽ ra mắt bộ phận nghiên cứu và phát triển giải pháp IAQ vào năm 2023. Ngoài ra, hệ thống phát triển sản phẩm nội địa cho thiết bị nối dây đã được triển khai từ năm tài chính 2021 và đang phát triển các sản phẩm mới.

Công ty Electric Works đang mở rộng hệ thống sản xuất và xây dựng một toà nhà mới ngay trong nhà máy, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tài chính 2023 cho sản xuất và kinh doanh thiết bị nối dây và cầu dao tại Việt Nam.

Ngoài việc mở rộng cơ sở sản xuất, công ty cũng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất hiện có bằng cách tích hợp với giải pháp từ Tsu - nhà máy sản xuất thiết bị dây dẫn điện và cầu dao chủ lực tại Nhật Bản. Việc tối ưu hóa này kỳ vọng sẽ giúp tăng 1,8 lần sản lượng từ mức hiện tại lên tới 150 triệu đơn vị cho thiết bị nối dây vào năm tài chính 2029.

Ngoài ra, nhà máy thiết bị IAQ sẽ tăng cường cơ sở sản xuất nhằm mục tiêu nâng cao năng lực và quy mô sản xuất các thiết bị IAQ lên đến khoảng 3 triệu sản phẩm mỗi năm vào năm tài chính 2025, tương đương mức tăng trưởng 1,5 lần so với năm tài chính 2020 (chỉ tính riêng cho thị trường Đông Nam Á).

Được biết, "ông lớn" công nghệ này đã, đang và sẽ đầu tư tổng cộng hơn 1.000 tỉ đồng cho hai nhà máy mới nói trên.