Trong những ngày hạ oi ả giữa Sài Gòn "đất chật, người đông" này, đâu mới là thứ thật sự cần thiết cho cuộc sống của chúng ta? Nếu "bạn thân" là câu trả lời, thì bạn sai lè rồi nhé! Đáp án đúng cho câu hỏi này chính là những chiếc máy lạnh.
Sài Gòn đang bước vào mùa nắng nóng nhất năm
Tuy nhiên, giống như cô bạn thân sớm nắng, chiều mưa của bạn, thiết bị điều hoà không khí này lại có rất nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như thường xuyên rỉ nước, chỉ quay vù vù mà chả mát... Nếu cũng đang gặp những vấn đề trên thì bạn không hề một mình đâu. Nhưng chúng mình ở đây không phải để đồng cảm, chúng mình ở đây để đưa ra cho các bạn 5 mẹo để sử dụng máy lạnh một cách "xịn xò" nhất, bật lên "phút mốt" là mát "cái một". Bắt đầu thôi nhỉ?
Làm mát phòng trước khi bật máy lạnh
Đây là một kinh nghiệm xương máu, nó còn đặc biệt hữu dụng nếu bạn đang sở hữu một chiếc ô tô nữa.
Giảm nhiệt độ phòng trước đã nhé
Trước khi bật máy lạnh, hãy "hạ nhiệt" căn phòng của bạn trước bằng cách mở cửa sổ, cửa chính, bật quạt để xua bớt khí nóng ra khỏi phòng trong khoảng 10 - 15 phút. Sau đó bật máy lạnh lên và hưởng thụ thành quả thôi.
Hiểu về các chế độ hoạt động
Hầu hết các sản phẩm điều hoà nhiệt độ trên thị trường hiện tại đều sở hữu 2 chế độ hoạt động đó là Cool (Làm mát) và Dry (Hút ẩm). Chúng có gì khác biệt?
Đầu tiên là chế độ Dry (thường có biểu tượng hình giọt nước trên điều khiển). Đúng như tên gọi của mình, khi hoạt động ở chế độ Dry, chiếc máy lạnh của bạn sẽ tiến hành hút bớt hơi ẩm trong không khí ra khỏi phòng, nhằm giảm cảm giác oi ả, khó chịu do độ ẩm cao gây ra.
Chế độ Dry (Hút ẩm) chỉ có tác dụng điều chỉnh độ ẩm
Chế độ này đơn giản là không có tác dụng làm mát mà chỉ hút ẩm nên sẽ tiết kiệm điện hơn so với chế độ Cool. Tuy nhiên, hiệu quả làm mát của chế độ này chỉ thực sự phát huy tác dụng khi trời không quá nóng và độ ẩm quá cao. Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra độ ẩm không khí xung quanh khu vực mình sinh sống bằng chính ứng dụng Thời tiết trên smartphone của mình và thông thường, độ ẩm không khí trên 60% sẽ là mức mà chế độ Hút ẩm phát huy tác dụng.
Bạn hoàn toàn có thể theo dõi độ ẩm không khí bằng ứng dụng "Thời tiết" ngay bên trong chiếc smartphone của mình
Ngoài ra, chế độ này cũng khiến không khí trong phòng khô hơn, có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe cho người dùng, đặc biệt là những người mắc các bệnh về hô hấp.
Ngược lại, chế độ Cool (hình bông tuyết) hoạt động bằng cách hút không khí nóng trong phòng, đưa qua dàn lạnh để biến thành không khí lạnh nhằm giảm nhiệt độ phòng. Quá trình này sẽ huy động máy nén để làm lạnh không khí, sử dụng quạt nhiều hơn nên sẽ tốn điện hơn. Bởi thế chế độ này sẽ làm mát một cách hiệu quả, nhanh chóng khi thời tiết nắng nóng.
Bạn nên sử dụng chế độ Cool (Làm mát) trong hầu hết trường hợp nhé
Nhớ nhé, Cool khi nhiệt độ cao và hanh khô và Dry khi nhiệt độ không quá cao nhưng ẩm nhiều.
Sử dụng kèm với quạt cây
Nghe hơi "ngốc nghếch" nhưng thực sự cách này cực kỳ hiệu quả. Thông thường, máy lạnh thường mất một thời gian khá lâu để làm mát được toàn bộ căn phòng của bạn.
Việc sử dụng máy lạnh kèm với một chiếc quạt cây thông thường sẽ giúp dàn đều khí mát ra khắp phòng, từ đó góp phần làm lạnh không gian của bạn nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều.
Nếu ra ngoài trong thời gian ngắn, đừng tắt máy lạnh
Nghe thì có vẻ hơi "ngược" đúng không? Nhưng cách này cực kỳ hiệu quả cả về khía cạnh làm lạnh lẫn tiêu thụ điện năng đấy.
Vì nếu bạn chỉ rời phòng trong vòng 15 - 20 phút và với tay tắt máy lạnh đi, khi trở lại nhiệt độ phòng lúc này đã bị kéo về bằng với nhiệt độ môi trường, thậm chí là cao hơn. Do đó, để làm lạnh lại cả căn phòng lại từ đầu, chiếc điều hoà nhiệt độ của bạn sẽ mất rất nhiều công sức, đồng nghĩa là nó sẽ tốn nhiều điện hơn.
Giữ máy lạnh hoạt động bình thường nếu bạn chỉ ra ngoài trong thời gian ngắn nhé
Thay vì tắt, bạn chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ của máy lạnh theo đúng nhiệt độ môi trường tại thời điểm đó, lại một lần nữa, sử dụng ứng dụng Thời tiết bên trong điện thoại ấy. Máy lạnh hiện đại là một thiết bị rất thông minh, khi nhận biết nhiệt độ phòng đã ở mức phù hợp, nó sẽ tự động ngừng làm mát và sẽ chỉ hoạt động trở lại khi nhiệt độ trong phòng bắt đầu tăng cao.
Bằng cách sử dụng siêu thông minh này, bạn đã có thể tiết kiệm được kha khá tiền điện rồi đấy.
Thường xuyên bảo trì, vệ sinh
Trong quá trình hoạt động, máy lạnh của bạn ngoài làm mát ra, còn đóng vai trò của một chiếc máy hút hết bụi bẩn trong không khí và giữ chúng lại ở màng lọc được đặt bên trong thiết bị. Nhưng lâu dần, những lớp bụi này sẽ dày lên và làm giảm hiệu quả làm mát. Điều tương tự cũng xảy ra với "cục nóng" được đặt ở ngoài trời.
Vệ sinh, bảo dưỡng máy lạnh là cực kỳ quan trọng
Vì vậy, nếu đột nhiên thấy chiếc máy lạnh yêu quý của mình hoạt động một cách ì ạch và không còn mát như trước nữa. Hãy tiến hành vệ sinh, bảo dưỡng xem sao nhé. Sau khi sạch sẽ, "em nó" sẽ lại chạy phà phà như xưa ngay thôi.
Ảnh: Internet