Năm nay cả thế giới đón nhận một mùa hè đáng lo ngại.
Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều khu vực khác trên thế giới, mức nhiệt độ 40 độ C có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi. Tại nhiều khu vực, nhiệt độ đo được đã vượt quá các ngưỡng cực đoan trong lịch sử, thậm chí khiến nhiều người đột quỵ, tử vong do nhiệt.
Và nổi bật trong số đó, một đợt nắng nóng chết người đang quét qua châu Âu, phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ cao nhất trong lịch sử và làm gián đoạn cuộc sống bình thường của người dân nơi đây.
Vào ngày 19/7 vừa qua, theo giờ địa phương, nhiệt độ cao nhất ở Vương quốc Anh lần đầu tiên vượt quá 40 độ C. Nên biết rằng, mức nhiệt độ cao nhất trước đó ở Vương quốc Anh là 38,7 độ C vào năm 2019.
Sân bay Heathrow ở London là nơi đầu tiên ghi nhận mức nhiệt phá vỡ mốc lịch sử, với nhiệt độ 40,2 độ C được ghi nhận vào trưa ngày 19/7. Ngay sau đó, nhiệt độ 40,3 độ C được ghi nhận ở Coningsby, Lincolnshire. Thậm chí, khoảng nhiệt độ từ 39 độ C đến 40 độ C đã được ghi nhận trên các vùng đầm lầy ở miền đông nước Anh, từ Surrey đến Nam Yorkshire, với ít nhất 34 trạm đo đều lập kỷ lục mới.
Những con số này có vẻ không đáng ngạc nhiên đối với chúng ta, bởi tại Việt Nam vào mùa hè, đặc biệt ở khu vực miền Trung, gần như năm nào cũng có khu vực đo được mức nhiệt lên tới hơn 40 độ C. Còn tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, vào những ngày nắng gay gắt, có thời điểm người dân do được nhiệt độ bề mặt lên đến 59-60 độ C.
Tuy nhiên, quay trở lại với Vương quốc Anh, thì đây là một quốc gia nổi tiếng với những trận mưa rào thường xuyên. Người dân quanh năm trải nghiệm thời tiết ôn hòa, và với họ, nhu cầu sưởi ấm quan trọng hơn việc làm mát và họ hoàn toàn không được chuẩn bị cho cái nóng khắc nghiệt như vậy.
Và một hệ quả của những cơn sóng nhiệt là sự hoành hành của những ngọn lửa. Ở ngoại ô Wennington, phía đông London, 15 xe chữa cháy và khoảng 100 lính cứu hỏa đã được cử đến khi khói đen bốc lên và nhiều ngôi nhà bị phá hủy. Hai người đã phải vào viện điều trị sau khi đám cháy bùng phát ở ngoại ô Dagenham, phía đông London. Xa hơn về phía bắc của thị trấn Milton Keynes, một nhà trẻ cũng bị bốc cháy.
Do nguy cơ cháy tăng cao, chính quyền địa phương đã nhắc nhở người dân không nướng thịt, bơi lội nơi hoang dã và cẩn thận dập tắt mọi nguy cơ gây cháy.
Và nhiệt độ khắc nghiệt cũng đã ảnh hưởng đến giao thông.
Chiều ngày 18/7 vừa qua, một số đường băng của sân bay Luton ở Vương quốc Anh phải tạm ngừng hoạt động do hỏng hóc vì nhiệt độ cao. Không quân Anh cũng đình chỉ việc cất cánh và hạ cánh của máy bay tại căn cứ lớn nhất của họ vì "đường băng có thể đã bị tan chảy". Các tuyến đường sắt cũng gặp vấn đề, bị giới hạn tốc độ do đường ray có nguy cơ bị uốn cong do quá nóng.
Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cho biết mạng lưới đường sắt của Anh không thể đối phó với nắng nóng khắc nghiệt và sẽ cần "nhiều năm" nâng cấp để đối phó với kiểu khí hậu nóng hơn này.
Phần lớn ga tàu điện ngầm tại London cũng không có máy lạnh, và giờ chúng đang mang tới trải nghiệm giống như một "phòng tắm hơi" và tất nhiên cũng đã bị đình chỉ hoạt động.
Các công ty cấp nước ở miền nam và miền đông nước Anh đã cảnh báo rằng nhu cầu gia tăng đã dẫn đến việc giảm áp lực nước và thậm chí là gián đoạn nguồn cung cấp ở một số hộ gia đình.
Ngoài ra, hệ thống máy chủ của Google Cloud Services và các máy chủ của Oracle tại Vương quốc Anh đã bị ngừng hoạt động do các vấn đề liên quan đến việc làm mát. Cả hai công ty đều đổ lỗi cho nhiệt độ cao đã gây ra sự cố tắt hệ thống đột ngột.
Bên ngoài Vương quốc Anh, cái nóng khắc nghiệt cũng đang đốt cháy phần lớn châu Âu và cả khu vực Bắc Phi.
Cháy rừng đã bùng phát ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Maroc và Croatia.
Các báo cáo nói rằng từ ngày 10/7 đến ngày 17/7, nhiệt độ cao nhất ở Tây Ban Nha là từ 39 độ C đến 45 độ C, và có tổng cộng 678 người đã chết do nhiệt độ cao. Từ ngày 7/7 đến ngày 18/7, Bồ Đào Nha có 1.063 ca tử vong do nắng nóng.
Thủ đô Paris của Pháp ghi nhận mức nhiệt độ lên tới 41 độ C, với cái nóng được miêu tả như "ngày tận thế". Mọi người tìm cách tránh mát dưới những tán cây trong công viên và xung quanh đài phun nước.
Các nhà chức trách Hy Lạp thì đã chỉ đạo người dân sơ tán tại 4 khu vực ở phía đông Athens, do ảnh hưởng của khói dày bởi các vụ cháy rừng.
Quả là giờ đây, chúng ta rất khó có thể sống sót qua một mùa hè mà không có điều hòa nhiệt độ.
Bước nhanh qua những khoảng sân nắng cháy, ai cũng muốn nhanh chóng được tận hưởng làn gió mát dễ chịu đến từ chiếc điều hòa. Món thiết bị gia dụng này tưởng chừng như đã trở thành thứ không thể thiếu của người dân trên khắp thế giới.
Nhưng, với người dân châu Âu thì không.
Theo một báo cáo năm 2021 của Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh, chưa đến 5% hộ gia đình ở Vương quốc Anh lắp đặt điều hòa không khí. Và khoảng một nửa nhu cầu lắp đặt điều hòa là đến từ các văn phòng, tiếp theo đó là các cửa hàng bán lẻ và bệnh viện.
Một trong những lý do chính của vấn đề này chính là "hiệu suất chi phí thấp". Nhiều quốc gia ở châu Âu nằm trên vĩ độ 40 độ vĩ bắc, do đó trước đây ngay cả vào mùa hè, mức nhiệt độ hiếm khi vượt quá 30 độ C. Ở một số nơi, quạt thậm chí được sử dụng tối đa 2 tuần mỗi năm. Ở miền nam nước Pháp, chẳng hạn như Cannes, nơi gắn liền với liên hoan phim nổi tiếng, thì may chăng có nhiều máy điều hòa nhiệt độ hơn.
Và ở Anh, những ngôi nhà tại đây được thiết kế với tư duy không cần nghĩ đến cách đối phó với nắng nóng mùa hè. Tadj Oreszczyn, giáo sư Năng lượng và Môi trường tại Viện Năng lượng UCL, Đại học College London, cho biết: “Chúng tôi là một quốc gia cần sưởi ấm, chứ không phải là một quốc gia cần làm mát".
Do đó, trong một số tòa nhà cũ, đường ống nước nóng chạy qua hành lang có thể không cần cách nhiệt, và nước nóng từ vòi hoa sen sẽ lan tỏa nhiệt độ cao khắp căn hộ. Tất nhiên, điều này ban đầu nhằm mục đích khắc phục mùa đông lạnh giá. Nhưng giờ, chúng lại làm trầm trọng thêm mối đe dọa của các đợt sóng nhiệt.
Nhưng trong những năm gần đây, các đợt nắng nóng đã quét qua châu Âu, nhưng bất chấp điều này, tỷ lệ thâm nhập của máy điều hòa không khí vẫn còn thấp. Đơn giản vì chúng đòi hỏi chi phí cao và lắp đặt rắc rối, chưa kể tốn kém điện năng.
Theo chia sẻ từ một người dùng ở Pháp, việc lắp điều hòa tại đây khá tốn kém và rắc rối. Bạn không thể tự mua chúng về và lắp cho căn hộ của mình, mà cần thông qua một công ty hoặc đơn vị chuyên nghiệp. Muốn làm thợ lắp điều hòa cũng cần có chứng chỉ nghiệp vụ. Chi phí mua máy, phí lắp đặt, phí sửa chữa... tất cả mọi thứ cộng lại có thể lên tới 2.500 euro. Con số này cao hơn mức lương tối thiểu ở Pháp chỉ là 1.200 euro.
Càng rắc rối hơn nữa là nếu bạn sống ở chung cư, hoặc những nơi có ban quản lý tòa nhà. Khi đó, để được quyền lắp đặt điều hòa, bạn cần phải tham gia biểu quyết tại cuộc họp của ban quản lý để thảo luận về việc nó có làm phiền hàng xóm không, có ảnh hưởng đến hình thức chung của tòa nhà hay gây hư hỏng công trình không. Và việc biểu quyết sẽ yêu cầu hơn một nửa số người đồng ý. Nghe qua cũng đủ rắc rối và phiền phức.
Vào mùa hè năm 2019, các nhân viên kinh doanh của cửa hàng bách hóa Pháp Bashiwei Electric chỉ bán được hơn 350 máy điều hòa không khí. Và về cơ bản thì chúng hầu hết là các máy điều hòa di động. Vì loại máy lạnh này không cần giấy phép lắp đặt, nên giá của chúng rơi vào khoảng 450-900 euro.
Tất nhiên, tại những nơi công cộng như bảo tàng Louvre, thư viện, siêu thị và các nhà hàng lớn đều được lắp máy lạnh. Và đây đang trở thành điểm tụ tập của mọi người để tránh cái nắng oi bức bên ngoài.
Chưa hết, một số quốc gia như tại Vương quốc Anh cũng có yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc lắp đặt điều hòa không khí, khi yêu cầu không được phép lắp đặt chúng trên bề mặt của tòa nhà. Nghĩa là, cục nóng của điều hòa phải lắp trên mái nhà hoặc đặt dưới đất. Điều này tức là bạn sẽ phải sử dụng các ống đồng nối dài, khiến chi phí đội lên thậm chí còn đắt hơn cả giá ban đầu của một chiếc máy lạnh.
Nếu chưa đủ "bỡ ngỡ", thì tại Đức, giá một chiếc điều hòa công suất 1,5HP là hơn 700 euro, nhưng phí lắp đặt lên tới 1.100 euro. Tiền điện để vận hành nó cũng là một khoản chi phí rất lớn, khoảng 0,3 euro mỗi số điện, trong khi thu nhập hàng tháng của một người bình thường chỉ hơn 2.000 euro.
Bên cạnh đó, trong việc sử dụng điều hòa, các vấn đề về khí hậu mà chúng có thể gây ra cũng được các quốc gia châu Âu rất chú ý.
Theo báo cáo năm 2018 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lượng phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện than và khí đốt tự nhiên để cung cấp năng lượng cho máy điều hòa không khí sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050. Và lượng khí thải này sẽ góp phần làm Trái đất nóng lên, và có thể tiếp tục tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cho máy điều hòa không khí.
Chính phủ Anh cũng chỉ ra rằng nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu có thể làm tăng nhu cầu đối với các hệ thống làm mát tiêu thụ nhiều năng lượng, và chúng có thể đi ngược lại mục tiêu của quốc gia này trong việc giảm lượng khí nhà kính ròng xuống 0 vào năm 2050.
Nhưng khi bạn không thể chịu nổi cái nóng, đồng thời cũng không sử dụng điều hòa, thì mọi chuyện có thể trở nên rất tồi tệ, thậm chí có thể gây tử vong.
Do đó, một số nhà khoa học cho rằng giải pháp không phải là thuyết phục các nước ngừng sử dụng máy điều hòa không khí mà nên làm cho thiết bị này tiết kiệm năng lượng hơn, chẳng hạn như thiết lập tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng hay loại bỏ dần chất làm lạnh...
Không có gì ngạc nhiên khi tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến nhiệt độ tăng lên trên toàn thế giới và chúng ta gần như liên tục được chứng kiến cũng như trải nghiệm "mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận" hết năm này tới năm khác.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng các đợt nắng nóng ở châu Âu đang gia tăng tần suất và cường độ nhanh hơn so với "hầu hết các nơi khác" trên Trái đất.
Nguyên nhân chính là sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình ngày nay ấm hơn khoảng 1,1 độ C so với cuối thế kỷ 19, do lượng khí thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác. Và sự nóng lên toàn cầu không chỉ mang tới nền nhiệt độ khắc nghiệt, mà nó còn ảnh hưởng đến tuần hoàn khí quyển và đại dương.
Kai Kornhuber, một nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, phát hiện ra rằng sóng nhiệt ở châu Âu đã tăng về tần suất và cường độ trong 40 năm qua và có liên quan đến những thay đổi của dòng tia. Dòng tia là những luồng gió chuyển động nhanh (từ 100 km/h đến 400 km/h), hẹp (rộng vài trăm km và chiều cao ít hơn 5 km) và ở độ cao lớn (khoảng 11 km). Nhiều trường hợp, dòng tia đã chia đôi, để lại một khu vực có gió yếu và không khí áp suất cao giữa hai nhánh sẽ dẫn đến sự tích tụ nhiệt cực cao.
Đồng thời, một trong những dòng hải lưu lớn trên thế giới, dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC), cũng đang thay đổi.
Vào năm 2021, Tiến sĩ Efi Rousi, một nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam ở Đức, đã sử dụng hệ thống mô phỏng máy tính để chỉ ra rằng khi thế giới ấm lên, các dòng hải lưu suy yếu sẽ dẫn đến những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển, khiến mùa hè ở châu Âu trở nên khô hơn.
Sự tồn tại của các đợt nắng nóng ở châu Âu cũng có thể liên quan đến việc Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn. Bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực và xích đạo giảm, dẫn đến giảm gió mùa mùa hè, cho phép hệ thống thời tiết này tồn tại lâu hơn.
Theo một nghiên cứu gần đây của chuyên gia, các đợt nắng nóng hiện nay thường xuyên hơn 3 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp và ấm hơn 1,2 độ C.
Stephen Belcher, người đứng đầu bộ phận công nghệ tại Met Office, cho biết nếu lượng khí thải tiếp tục ở mức cao, "chúng ta có thể thấy một đợt nắng nóng như thế này cứ sau 3 năm".
"Nóng" luôn là một chủ đề "mới" mỗi năm. Dường như năm nào chúng ta cũng bắt gặp những dòng tin tức như: "Mùa hè nóng nhất lịch sử", "Phá kỷ lục nhiệt độ cao", "Nắng nóng bùng nổ" ... Mọi người thường hoài nghi về biến đổi khí hậu, nhưng đó là do con người tạo ra, hay chỉ là một quá trình tiến hóa tự nhiên?
Vào tháng 8/2021, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã công bố một báo cáo về biến đổi khí hậu. Báo cáo chỉ ra rằng khoảng 95% -100% sự nóng lên của khí hậu là do các hoạt động của con người và khoảng 0-5% là do các yếu tố tự nhiên.
Và nó đang là thảm họa đối với nhiều quốc gia, với các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và khốc liệt hơn.
Tại Đối thoại Khí hậu ở Petersburg mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nêu rõ quan điểm của mình về cuộc khủng hoảng khí hậu rằng "các nước phải hành động ngay lập tức".
"Một nửa nhân loại đang đứng trước nguy cơ lũ lụt, hạn hán, mưa bão và cháy rừng. Không có quốc gia nào được miễn nhiễm khỏi làn sóng ảnh hưởng này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục gặp phải tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều khiến tôi khó chịu nhất là chúng ta không thể làm việc cùng nhau như một cộng đồng đa phương khi đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu này.…", ông Guterres phát biểu.
Khi nắng nóng đã trở thành vấn đề chung của toàn cầu, giải pháp không chỉ nằm ở những chiếc điều hòa nhiệt độ. Chúng ta đang có quyền lựa chọn, hành động tập thể hay tự sát tập thể, mọi thứ nằm trong tay chính chúng ta.
Tham khảo iFeng