Trong bầu khí quyển của hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có gì?

Kính viễn vọng James Webb đã có được cái nhìn chi tiết nhất về bầu khí quyển của hành tinh ngoại.

Theo Digital Trends, một trong những bước tiến lớn mà kính viễn vọng không gian James Webb hứa hẹn là khả năng khám phá các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời (hành tinh ngoại) một cách chi tiết hơn bao giờ hết.

Trước đây James Webb đã chụp được hình ảnh hành tinh ngoại đầu tiên và phát hiện ra carbon dioxide trong bầu khí quyển, nhưng giờ đây các nhà thiên văn học đã sử dụng kính thiên văn tiên tiến nhất này để có được cái nhìn chi tiết hơn nữa về bầu khí quyển của hành tinh WASP-39 b.

Theo đó, Webb đã sử dụng các công cụ gọi là quang phổ kế chia nhỏ ánh sáng thành các bước sóng khác nhau để xem bước sóng nào đã bị các loại phân tử trong bầu khí quyển hấp thụ. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu quan sát được quang phổ của bầu khí quyển của hành tinh, đồng thời cho họ biết những yếu tố nào đang hiện diện.

Hành tinh WASP-39 b rất nóng, quay xung quanh ngôi sao chủ của nó theo chu kỳ 4 ngày một lần. Trong khí quyển của hành tinh, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nước và xác nhận phát hiện trước đây về carbon dioxide, nhưng quan trọng nhất là lần đầu tiên họ tìm thấy sulfur dioxide.

Điều này được tạo ra bởi ánh sáng từ ngôi sao tương tác với bầu khí quyển và tạo ra các phân tử mới, và đây là lần đầu tiên quá trình quang hóa này được quan sát trên một hành tinh ngoại.

Trong bầu khí quyển của hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có gì? - 2

Bảng kê thành phần hóa học trong khí quyển của WASP-39 b.

Việc tìm hiểu về bầu khí quyển của hành tinh ngoại không chỉ quan trọng để hiểu về nó ở thời điểm hiện tại, mà còn giúp các nhà khoa học có thể hiểu được cách nó hình thành trong quá khứ.

Một trong những nhà nghiên cứu, Dominique Petit dit de la Roche, cho biết trong một tuyên bố: “Bản kê hóa học của WASP-39b cho thấy rằng hành tinh này được tập hợp bởi một loạt các hợp nhất liên tiếp với các thiên thể nhỏ hơn, và sự hình thành của nó ban đầu diễn ra ở xa sao mẹ”.