"Đá trên sao Hỏa có thể rơi xuống Trái đất dưới dạng thiên thạch. Chúng bị đẩy ra khỏi sao Hỏa bởi các sự kiện tác động lớn và tràn đầy năng lượng," Carl Agee, giám đốc Viện Thiên thạch tại Đại học New Mexico, Mỹ cho biết.
Agee là người đã tham gia vào việc xác nhận rằng tảng đá này thực sự có nguồn gốc từ sao Hỏa. Ông cho biết, cho đến nay đây là "thiên thạch sao Hỏa hoàn chỉnh chưa cắt lớn nhất trên Trái đất".
Có khoảng 300 mảnh đá sao Hỏa hiện đang tồn tại trên Trái đất, với tổng trọng lượng khoảng 227 kg. Tuy nhiên, các nhà sưu tập thường chia nhỏ chúng ra để bán riêng, vì vậy số lượng thiên thạch sao Hỏa thực tế được biết đến trên Trái đất là từ 100 đến 150, Agee nói.
Sau những tác động mạnh mẽ đẩy những tảng đá ra khỏi sao Hỏa, chúng trôi dạt trong không gian và cuối cùng chuyển sang quỹ đạo xuyên Trái đất quanh Mặt trời.
Một thợ săn thiên thạch địa phương đã phát hiện ra Taoudenni 002 gần một mỏ muối sa mạc ở Mali trước khi nhà buôn thiên thạch hàng đầu thế giới Darryl Pitt mua lại nó cho Bảo tàng Khoáng sản và Đá quý Maine vào tháng 4 năm 2021.
"Vụ rơi thiên thạch không được chứng kiến, nhưng có khả năng là gần đây do được bảo quản tốt. Có lẽ trong khoảng 100 năm trở lại đây,” Agee nói.
Ông cho biết thêm: “Sau khi mua được thiên thạch ở Mali, Pitt đã gửi một mẫu nhỏ của tảng đá tới chỗ tôi để xác nhận nguồn gốc của nó.”
Các thiên thạch trên sao Hỏa có các ký hiệu hóa học cụ thể, và các khoáng chất và nguyên tố trong Taoudenni 002 hoàn toàn phù hợp với các khoáng chất đã biết trên sao Hỏa. Thành phần của các thiên thạch cũng gợi ý về cách đá được tạo ra. Rất có thể nó được hình thành trong một đợt phun trào núi lửa trên sao Hỏa cách đây hơn 100 triệu năm.
Agee cho biết, thậm chí những tảng đá lớn hơn trên sao Hỏa có thể đang nằm ở một nơi nào đó trên Trái đất, có khả năng bị chôn vùi dưới cồn cát ở Sahara, hoặc nằm sâu trong băng ở Nam Cực, hoặc có thể ở dưới đáy đại dương.