Trung Quốc đang làm gì để giữ chuỗi cung ứng của Apple?

Hiện tại, phía Trung Quốc đang tìm cách để ngăn chặn Apple di chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ.

Apple đang trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng, từ mô hình tập trung vào Trung Quốc sang mô hình hoạt động từ nhiều cơ sở hoạt động khác nhau. Với việc Apple đạt được tiến bộ đáng kể tại Ấn Độ, Trung Quốc đang tỏ ra khá lo ngại về khả năng mất đầu tư và việc làm cho công dân của mình.

Mới đây, Financial Times đã đưa ra những khó khăn mà Apple đã gặp phải khi thực hiện sự thay đổi này. Một phần là do mối quan hệ chính trị căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ và một phần là hãng không muốn mất lòng thị trường Trung Quốc.

Mối quan hệ nhạy cảm giữa hai nước được thể hiện qua các cuộc thảo luận bí mật giữa các quan chức ở Karnataka và Tamil Nadu, thay thế tên Apple bằng "công ty trái cây", kể cả trong các cuộc trò chuyện riêng tư. Thực tế cũng cho thấy Trung Quốc nhận thức được mối đe dọa mà Ấn Độ gây ra đối với sự thống trị sản xuất của mình và đang chủ động giải quyết vấn đề.

Vào tháng 1, có thông tin cho biết Trung Quốc đang siết chặt xuất khẩu các vật liệu quan trọng và thiết bị công nghệ cao. Đây là loại phần cứng mà Apple và các thành viên trong chuỗi cung ứng của công ty sử dụng để sản xuất các mặt hàng cho iPhone và các sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, tờ Financial Times còn cho hay, điều này cũng ảnh hưởng đến con người. Việc một số kỹ thuật viên Trung Quốc di chuyển vào Ấn Độ cũng bị Trung Quốc ngăn chặn. Đối với chuỗi cung ứng của Apple, những động thái này khiến việc nhanh chóng xây dựng cơ sở sản xuất ở Ấn Độ lên mức ngang bằng với Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Một cửa hàng Apple Store.

Một cửa hàng Apple Store.

Khi vật liệu và thiết bị bị hạn chế, các đối tác như Foxconn sẽ phải tìm những nhà cung cấp khác đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Apple nhưng không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của Trung Quốc.

Sự can thiệp này không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng mà còn tác động mạnh tới Apple. Điều này bao gồm những quy định vào năm 2023 đối với việc cấm sử dụng thiết bị Apple với các quan chức chính phủ. Sau đó là các quy định quản lý khiến Apple khó có thể hoạt động tại quốc gia này nếu không tuân thủ các hạn chế chặt chẽ.

Việc đưa các tính năng AI vào iPhone của công ty đã bị cản trở bởi các quy định, buộc Apple phải hợp tác với một "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc trong dự án này. Mặt khác, phía chính phủ Ấn Độ đã làm rất nhiều để giúp Apple thành lập và hoạt động tại Ấn Độ, bao gồm cung cấp hàng tỷ USD như một phần của chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất, nới lỏng các hạn chế cho phép Apple mở các cửa hàng độc quyền của riêng mình tại quốc gia này.

Những ưu đãi này không chỉ nhằm đưa Apple vào Ấn Độ mà còn thu hút các nhà cung cấp của Apple di chuyển tới quốc gia này. Nỗ lực này cũng đã đưa tập đoàn lớn của Ấn Độ - Tata vào chuỗi sản xuất của Apple, hiện đang vận hành rất tốt.

Dự đoán, Ấn Độ sẽ cung cấp hơn 20% sản lượng iPhone toàn cầu vào năm 2025. Bên cạnh đó, vẫn còn một số rào cản ở Ấn Độ, chẳng hạn như các hạn chế về thị thực đối với công dân Trung Quốc. Trong khi hoạt động lắp ráp của Apple tại Trung Quốc và Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ cao, áp lực xã hội cũng ngăn cản phụ nữ làm điều tương tự ở Ấn Độ.

Các quan chức Ấn Độ thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để trở thành cơ sở cung ứng quy mô lớn mà Apple và các công ty khác cần, nếu muốn thoát khỏi Trung Quốc. Không chỉ "Nhà Táo", nhiều công ty cũng có y định mở rộng sang Ấn Độ và các quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam để giảm thiểu rủi ro.

Sau gần 1 thập kỷ xây dựng chuỗi cung ứng mở rộng có trụ sở tại Trung Quốc, Apple đã phát hiện ra các vấn đề bất cập. Trong đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng đã bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tại các nhà máy của Apple. Các dây chuyền sản xuất tại các cơ sở đã bị đóng cửa trong thời gian dài, một phần là do cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc.

Do đó, Apple buộc phải mở rộng chuỗi cung ứng của mình để tránh những sự cố tương tự trong tương lai. Một yếu tố rủi ro khác là căng thẳng địa chính trị, bao gồm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, Apple đã tránh được tác động của thuế quan đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Mỹ có thể áp mức thuế cao cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Apple vẫn duy trì hệ thống sản xuất iPhone tại Trung Quốc, hãng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan khi vận chuyển iPhone đến tay khách hàng tại Mỹ.

Tuy nhiên, vì "Táo Khuyết" đã tập trung vào việc cải thiện năng lực sản xuất tại Ấn Độ nên hãng sẽ phải nghĩ ra cách để giảm nhẹ thuế quan khi nhập khẩu từ Trung Quốc. Với việc xây dựng nhà máy sản xuất ở một quốc gia khác, Apple sẽ chỉ phải trả mức thuế thấp hơn.

Ấn Độ đã vào cuộc để giải quyết vấn đề thuế quan bằng cách chuẩn bị cắt giảm thuế nhập khẩu cho Apple và các công ty sản xuất linh kiện và phụ kiện.