Theo đó, Trung Quốc đã phóng vệ tinh viễn thám Gaofen-11 thứ 3 của họ vào ngày 19/11 mới đây.
Gaofen-11 sẽ bổ sung vào một nhóm các vệ tinh tối tân có độ phân giải quang học được cho là ngang hàng với các vệ tinh viễn thám chất lượng cao nhất của Mỹ .
Tên lửa Long March 4B đã cất cánh từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây ở miền bắc Trung Quốc hôm thứ Sáu đưa vệ tinh Gaofen-11 (03) lên quỹ đạo.
Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) thông báo rằng vụ phóng đã thành công ngay sau khi vệ tinh viễn thám được đưa vào quỹ đạo.
Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết, vệ tinh này sẽ chủ yếu được sử dụng để khảo sát đất đai, quy hoạch thành phố, xác nhận quyền sử dụng đất, thiết kế mạng lưới đường bộ, ước tính năng suất cây trồng và ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai.
Các vệ tinh Gaofen hiện tạo thành một Hệ thống Quan sát Trái đất có độ phân giải cao được thông cáo công khai là nhằm phục vụ cho các mục đích dân sự của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo báo Anh Express, nhiều chuyên gia phương Tây vẫn quan ngại về những khả năng "không được công bố chính thức" của vệ tinh Gaofen-11. Họ cũng lo ngại rằng, các vệ tinh này được thiết kế để sử dụng cho các mục đích quốc phòng.
Nhiều nhà phân tích nhấn mạnh, Gaofen-11 có thể sánh ngang với vệ tinh do thám Keyhole của Mỹ.
Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 44 sứ mệnh không gian trong năm nay. Họ đã vượt qua kỷ lục về số lần phóng vệ tinh lên quỹ đạo nhiều nhất trong một năm. Trung Quốc đã có tới 39 lần phóng thành công trong năm 2018 và 2020.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc chạy đua "trong không gian" giữa Nga và Mỹ cũng đang nóng lên sau khi Nga hoàn thành vụ phóng tên lửa để bắn hạ một vệ tinh cũ.
Hiện nay, Trung Quốc và Nga cũng hợp tác trong không gian sau khi trung tâm thời tiết vũ trụ chung của hai nước ở Bắc Kinh sẽ được vận hành bởi một cơ quan của Nga.
Động thái này được cho là có thể khiến người Mỹ lo ngại hơn nữa khi căng thẳng trong không gian giữa các cường quốc tiếp tục nóng lên.