Ý tưởng phát triển Bắc Đẩu được hình thành trong những năm 1990 khi quân đội muốn giảm lệ thuộc vào Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Không lực Mỹ. Khi những vệ tinh đầu tiên được phóng trong năm 2000, độ phủ chỉ giới hạn tại Trung Quốc. Năm 2003, khi thiết bị di động được sử dụng rộng rãi hơn, Trung Quốc muốn gia nhập dự án định vị vệ tinh Galileo của EU nhưng sau đó rút lui để tập trung vào Bắc Đẩu.
Trong kỷ nguyên iPhone, thế hệ vệ tinh Bắc Đẩu thứ hai đi vào hoạt động năm 2012, bao phủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2015, Trung Quốc triển khai thế hệ ba với mục tiêu phủ sóng toàn cầu.
Vệ tinh Beidou-3 cuối cùng sẽ được phóng trong tháng này nhưng chưa rõ ngày. Tổng cộng có 35 vệ tinh Bắc Đẩu, nhiều hơn số vệ tinh của GPS (31), Galileo hay GLONASS của Nga. Với chi phí đầu tư ước tính 10 tỷ USD, Bắc Đẩu bảo đảm an toàn cho mạng lưới liên lạc quân sự của Trung Quốc, tránh rủi ro không được sử dụng GPS khi có xung đột.
Khi hoàn thiện, dịch vụ địa điểm của Bắc Đẩu chính xác tới 10cm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, so với phạm vi 30cm của GPS. Theo ông Andrew Dempster, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật không gian của Úc, Bắc Đẩu được phát triển sau GPS vài thập kỷ nên được hưởng lợi từ kinh nghiệm của GPS. Nó có độ chính xác cao hơn và bảo trì dễ hơn.
Báo chí Trung Quốc đưa tin các dịch vụ liên quan tới Bắc Đẩu như giám sát giao thông, giảm nhẹ thiên tai được xuất khẩu sang khoảng 120 quốc gia. Trong đó có nhiều nước tham gia sáng kiến Vành đai và con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng nhằm tạo ra phiên bản “con đường tơ lụa” thời hiện đại.
Thái Lan và Pakistan nằm trong số những nước đầu tiên đăng ký dịch vụ của Bắc Đẩu, vào năm 2013. Tại Trung Quốc, hơn 70% điện thoại di động kích hoạt Bắc Đẩu tính tới năm 2019, trong đó có các mẫu máy do Huawei, Oppo, Xiaomi, Vivo và Samsung sản xuất. Hàng triệu taxi, xe buýt, xe tải cũng nhận tín hiệu Bắc Đẩu.
Truyền thông trong nước cho biết lĩnh vực định vị vệ tinh Trung Quốc có thể đạt 400 tỷ NDT (57 tỷ USD) trong năm nay.