Tàu vũ trụ Thần Châu-12 khớp nối với mô-đun trạm vũ trụ khoảng 6 tiếng sau khi bay lên từ bệ phóng Jiuquan ở rìa sa mạc Gobi.
Khoảng 3 giờ sau khi bay lên, trưởng nhóm phi hành gia Nie Haisheng, 56 tuổi, cùng hai phi hành gia Liu Boming, 54 tuổi, và Tang Hongbo, 45 tuổi, mở cửa và trôi vào trong mô-đun Thiên Hoà-1. Các bức ảnh cho thấy họ đang bận rộn dỡ thiết bị ra sắp xếp.
“Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên người Trung Quốc bước vào trạm vũ trụ của riêng mình”, đài truyền hình CCTV nói trong chương trình thời sự buổi tối.
Nhóm phi hành gia sẽ tiến hành các thí nghiệm, thử thiết bị, tiến hành việc duy trì và chuẩn bị để trạm tiếp nhận thêm 2 mô-đun thí nghiệm nữa vào năm sau. Với sứ mệnh này, Trung Quốc đã đưa tổng số 14 phi hành gia lên vũ trụ kể từ năm 2003, trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Liên Xô và Mỹ, tự làm được điều này.
Đến nay mọi việc có vẻ đều suôn sẻ. Các lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sứ mệnh này sẽ thành công rực rỡ khi đảng Cộng sản chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng sau.
Nhóm phi hành gia được các quan chức hàng không, sĩ quan quân đội và nhiều trẻ em đứng vẫy hoa và cờ, hát quốc ca tiễn, trước khi họ được đưa lên bằng tên lửa Trường Chinh-2F Y12.
Thời gian lên trạm vũ trụ lần này giảm xuống khá nhiều vì những lần phóng thử nghiệm trước đây cần 2 ngày mới hoàn thành. Đây là kết quả của “nhiều bước đột phá và cải tiến lớn. Vì thế, các phi hành gia có thời gian nghỉ ngơi thoải mái trên vũ trụ và tránh bị mệt mỏi”, phó trưởng nhóm kỹ sư thiết kế Gao Xu nói với CCTV.
Những cải tiến khác bảo gồm tăng hệ thống điều khiển từ xa và tự động để “giảm đáng kể áp lực với các phi hành gia”, ông Gao cho biết.
Trong các nhóm trước đây có 2 phi hành gia nữ, nhưng nhóm lần này toàn nam giới. Các nữ phi hành gia dự kiến sẽ tiếp tục tham gia những sứ mệnh sau này.
Chuyến đi lần này là nhiệm vụ thứ ba trong tổng số 11 sứ mệnh được lên kế hoạch đến năm sau. Một nhóm 3 phi hành gia khác và một tàu chở hàng tiếp tế dự kiến sẽ được đưa lên trong 3 tháng tới.
Trung Quốc không tham gia Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), chủ yếu do Mỹ phản đối vì lo ngại lộ bí mật quân sự và vũ trụ vào tay Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tăng cường hợp tác với Nga và nhiều quốc gia khác, và trạm vũ trụ của Trung Quốc có thể tiếp tục hoạt động sau khi ISS hết thời hạn.
Tháng trước, Trung Quốc đưa tàu tự hành Zhurong lên Mặt Trăng. Trước đó, nước này đã đưa một tàu tự hành và tàu thăm dò lên nửa tối của Mặt trăng và mang mẫu vật từ Mặt trăng về Trái đất.
Trong tuần này, Trung Quốc và Nga tiết lộ một kế hoạch tham vọng về việc làm mộ trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế chung cho đến năm 2036. Trạm đó có thể cạnh tranh với kế hoạch đa quốc gia mang tên Artemis Accords mà NASA đề ra để đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024 và lần đầu tiên đưa con người lên sao Hoả.
Sau khi trạm Thiên Hoà-1 được đưa lên hồi tháng 4, tên lửa dùng để đẩy trạm này đã rơi xuống Trái đất một cách không kiểm soát, khiến Bắc Kinh vấp phải nhiều chỉ trích của giới khoa học.
Tên lửa vừa đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ là loại khác và các bộ phận của nó sẽ bị đốt cháy trong quá trình rơi trở lại, trước khi có thể gây nguy hiểm cho con người trên mặt đất, Ji Qiming, trợ lý giám đốc Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết.
Thiên Cung trở thành trạm lớn nhất từng được một quốc gia riêng lẻ lắp đặt và vận hành ở quỹ đạo thấp. Đây được coi là ngọn hải đăng cho chương trình vũ trụ của Trung Quốc.
Hai phó thủ tướng phụ trách khoa học và công nghệ của Trung Quốc là Hàn Chính và Lưu Hạc đã tham dự sự kiện phóng tại Trung tâm kiểm soát bay vũ trụ Bắc Kinh. Họ đã bắt tay và chúc mừng các kỹ thuật viên sau khi sự kiện diễn ra thành công.
Sứ mệnh lần này là một phần của chương trình đầy tham vọng của Trung Quốc để trở thành quốc gia duy nhất sở hữu và vận hành trạm vũ trụ của riêng mình. Trạm này dự kiến sẽ mất chưa đầy hai năm nữa sẽ hoàn tất.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/6, phi hành gia Nie không giấu giếm rằng chuyến đi này có liên quan mật thiết đến tham vọng của Trung Quốc nhằm trở thành một cường quốc vũ trụ dẫn đầu thế giới.
“Sự phát triển trong nỗ lực khám phá vũ trụ của Trung Quốc đã kết tinh giấc mơ hàng ngàn năm của người Trung Hoa được bay vào bầu trời, và mở ra một chương anh hùng cho lịch sử 100 năm đấu tranh của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Nie nói.
Các phi hành gia Trung Quốc đã được huấn luyện cùng đồng nghiệp ở châu Âu để có thể làm việc cùng nhau trên trạm vũ trụ của Trung Quốc. Trung Quốc nói rằng họ sẽ giúp các quốc gia đang phát triển đào tạo phi hành gia và sẽ hoan nghênh họ lên trạm vụ trụ của mình.