Mạng 5G thương mại đã chính thức được triển khai tại Trung Quốc từ ngày 1/11. Tính năng nổi bật nhất không nằm ở tốc độ siêu nhanh mà chính là giá cước.
Gói cước 5G rẻ nhất ở Trung Quốc là 128 nhân dân tệ hay 18 USD (424.000 đồng). Nó chỉ bằng với giá của một bữa ăn trung bình tại nhà hàng ở nước này. Đây là gói cước của China Mobile, một trong ba nhà mạng quốc doanh. Nó thấp hơn nhiều so với những gì mà người dùng tại Mỹ đang phải trả để sử dụng 5G.
Với 18 USD, bạn có được 30GB dữ liệu/tháng nhưng tốc độ tối đa chỉ là 300 Mbps. Dù nhanh hơn tốc độ 4G trung bình tại đây (25 Mbps), nó còn lâu mới đạt tới tốc độ 1 Gbps như trong quảng cáo. Nếu muốn có tốc độ 300 Mbps của China Unicom hay China Telecom, người dùng phải bỏ ra ít nhất 239 nhân dân tệ hay 34 USD. Gói cước 5G đắt nhất tại Mỹ là 599 nhân dân tệ (85 USD).
Tại Mỹ, Sprint cung cấp gói cước 5G rẻ nhất 80 USD, Verizon cung cấp 5G không giới hạn dữ liệu từ 85 USD, AT&T là 90 USD. T-Mobile phải chăng nhất với gói từ 30 USD. Tuy nhiên, mạng 5G của nhà mạng này chưa phủ sóng rộng.
Giá cao và độ phủ sóng hạn chế khiến 5G chưa hấp dẫn ở Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc đã có 10 triệu người đăng ký sử dụng 5G. Song với nhiều người dùng Trung Quốc, 18 USD vẫn còn đắt. Theo khảo sát trực tuyến trên Weibo, hơn 180.000 người đồng tình rằng các gói cước 5G mới quá đắt. Đó là bởi vì các gói cước dữ liệu ở đây ngày càng rẻ hơn. Gói cước 4G với 1GB dữ liệu chỉ tốn khoảng 8 USD/tháng. Báo cáo từ Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc chỉ ra cước phí Internet di động đã giảm tới 90% trong 5 năm qua. Trong khi đó, người dùng Mỹ phải chịu gói cước dữ liệu thuộc hàng đắt nhất thế giới và 5G dường như không giúp ích gì.
Nhờ động lực từ chính phủ, 5G trở thành một lĩnh vực mà Trung Quốc khẳng định ưu thế so với các nước khác. Trung Quốc đã chi 217 tỷ USD cho phát triển 5G, theo báo cáo của Viện Công nghệ truyền thông và thông tin. Các dự án hiện tại cho thấy khoản đầu tư bắt đầu có kết quả. Trung Quốc đang có 86.000 trạm gốc 5G và dự kiến vượt mốc 600 triệu người dùng 5G vào năm 2025, tương đương 40% người dùng 5G toàn cầu, theo GSMA.
Các chuyên gia tin rằng điều đó sẽ giúp Trung Quốc tham gia sâu hơn vào phát triển tiêu chuẩn 5G. Với các công ty đang chịu sức ép từ Mỹ như Huawei, ZTE, nó cũng giúp họ bán được nhiều thiết bị 5G hơn.