Năm 2021, Apple làm cả ngành quảng cáo trực tuyến phải chấn động với việc giới thiệu tính năng mới có tên App Tracking Transparency (ATT) trên iOS 14.5, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư cho người dùng. Tính năng này người dùng từ chối cho phép ứng dụng theo dõi hoạt động của mình trên iPhone thông qua mã định danh IDFA. Nhưng trong khi tính năng này đang bóp nghẹt hiệu quả của các nhà quảng cáo, nó lại đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho Apple thông qua hoạt động quảng cáo.
Trước đây, thông qua việc theo dõi mã định danh IDFA trên các ứng dụng trong iPhone, ví dụ Google, Instagram, Facebook hoặc các website, các nhà quảng cáo có thể biết được thói quen mua sắm cũng như sở thích của người dùng, để từ đó đưa ra các chiến dịch quảng cáo phù hợp với người dùng và đo lường được mức độ thành công của chiến dịch quảng cáo.
Tuy nhiên, với tính năng ATT mới được Apple triển khai từ iOS 14.5 trở đi, các ứng dụng này cần phải có sự cho phép của người dùng mới được theo dõi mã định danh này. Các thống kê năm 2021 cho thấy, gần 80% người dùng chọn không cho phép các ứng dụng theo dõi dữ liệu hoạt động của mình trên iPhone.
Nói cách khác, tính năng ATT này đã "bịt mắt" các nhà quảng cáo về dữ liệu người dùng trên iPhone, khiến họ không thể biết được chính xác sở thích, thói quen người dùng để cá nhân hóa quảng cáo, cũng như không thể đánh giá chính xác mức độ hiệu quả của mỗi chiến dịch quảng cáo trên iPhone.
Một trong những hãng chịu thiệt hại nặng nề nhất do tính năng này chính là Facebook. Báo cáo thu nhập của nền tảng mạng xã hội này cho thấy, tính năng ATT đã làm công ty thất thu khoảng 10 tỷ USD do không thể tiến hành các chiến dịch quảng cáo hiệu quả như trước. Tương tự Facebook, hãng Snap, công ty sở hữu ứng dụng Snapchat cũng chứng kiến sự sụt giảm doanh thu do tác động từ tính năng ATT của Apple.
Cơ hội tỷ USD cho mảng quảng cáo của Apple
Tuy nhiên, thiệt hại của các nhà quảng cáo lại mang tới cơ hội tỷ USD cho mảng kinh doanh quảng cáo của Apple. Các nhà xuất bản nội dung, các nhà sản xuất ứng dụng hay thậm chí cả các cửa hàng, các nhà bán lẻ vẫn cần một kênh quảng bá để tiếp cận đến hàng tỷ người dùng iPhone trên toàn cầu – và không ai khác ngoài Apple có thể làm được điều đó.
Rõ ràng khi các quảng cáo cá nhân hóa trên những ứng dụng bên thứ ba không còn hiệu quả, các nhà sản xuất nội dung hay ứng dụng sẽ phải trả tiền cho Apple để quảng cáo của họ được xuất hiện trong những ứng dụng của Apple. Với việc được cài sẵn trong hàng tỷ iPhone, các quảng cáo này có thể tiếp cận người dùng phù hợp trên toàn cầu một cách hiệu quả - ngay cả khả năng quảng cáo cá nhân hóa của các ứng dụng Apple bị tắt.
Đó là lý do vì sao, một báo cáo từ hãng nghiên cứu Omdia cho biết, doanh thu quảng cáo của Apple trong năm 2021 đã tăng vọt đến 238% lên mức 3,7 tỷ USD. Không những thế, theo phóng viên Mark Gurman của trang tin Bloomberg, phó chủ tịch về nền tảng quảng cáo của Apple, Todd Teresi đang được yêu cầu phải đưa mảng kinh doanh tăng trưởng ở mức "hai con số" trong tương lai.
Các quảng cáo trong ứng dụng của Apple vẫn có khả năng cá nhân hóa, nhưng người dùng vẫn tắt được chúng
Dường như điều đó đang thúc đẩy Apple chuẩn bị nhồi nhét nhiều quảng cáo hơn vào trong iPhone của mình.
Hàng loạt báo cáo mới đây từ Bloomberg và nhiều trang tin khác cho thấy, Apple đang thử nghiệm thêm nhiều vị trí quảng cáo hơn trong các ứng dụng của họ trên iPhone, bao gồm App Store, Books, Maps và Podcasts, thậm chí cả các gói dịch vụ thuê bao như News+ và Apple TV+.
Dù các ứng dụng của Apple vẫn bị giới hạn về quảng cáo cá nhân hóa giống như các ứng dụng bên thứ ba, nhà sản xuất iPhone vẫn còn một ưu thế khác về khả năng hiển thị quảng cáo tới người dùng. Đó là dựa trên các từ khóa tìm kiếm trong ứng dụng – tương tự như cách Google hiển thị quảng cáo bên cạnh công cụ tìm kiếm của mình.
Theo báo cáo của Bloomberg, Apple còn đang thử nghiệm hình thức quảng cáo này trong ứng dụng Maps của mình. Khi người dùng tìm kiếm một cửa hàng hoặc địa chỉ nào đó, các đề xuất về những cửa hàng lân cận sẽ được hiện ra xung quanh kết quả tìm kiếm. Tương tự với Maps, các quảng cáo tương tự cũng sẽ được đưa vào kết quả tìm kiếm trong ứng dụng Books và Podcasts.
Các nhà xuất bản nội dung, các cửa hàng sẽ trả tiền để có được vị trí hiển thị ưu tiên trong kết quả tìm kiếm đưa tới người dùng. Cửa hàng ứng dụng App Store vốn đã áp dụng hình thức quảng cáo này cho mục Tìm Kiếm. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy, trong thời gian tới App Store có thể hiển thị nhiều quảng cáo hơn trong cả các mục khác nữa, bao gồm Today và Downloads. Khi mở rộng sang các mục này, Apple sẽ có thêm không gian quảng cáo để bán cho các nhà sản xuất ứng dụng muốn tiếp cận người dùng trên iPhone.
Không chỉ nhìn thấy cơ hội từ việc các nhà quảng cáo trực tuyến đang bị lép vế trước tính năng ATT trên iPhone, việc mở rộng mảng quảng cáo cũng là một phần trong chiến lược gia tăng doanh thu dịch vụ của Apple. Thay vì hoàn toàn dựa vào doanh số phần cứng, Apple đang tìm cách khai thác thêm lợi nhuận từ lượng iPhone khổng lồ đang được sử dụng trên toàn cầu của mình – và quảng cáo chỉ là một phần trong số đó. Vấn đề cuối cùng chỉ là người dùng của họ có còn thoải mái về điều đó hay không.