Từ cơn sốt iPhone SE 9,8 triệu mới ra mắt: Các hãng công nghệ “thao túng tâm lý” và "móc ví" khách hàng như thế này!

Muốn mua điện thoại mới nhưng lòng quặn đau vì hết tiền thì phải làm sao?

Chắc hẳn dân đu công nghệ hay fan ruột của "táo khuyết" không thể chưa biết đến sự kiện trình làng iPhone SE 9,8 triệu hay màu xanh "Alpine Green" cho bộ đôi iPhone 13 và iPhone 13 Pro của Apple ngày 9/3 vừa qua. Sự kiện trình làng râm ran đã khiến nhiều người đứng ngồi không yên, thậm chí chuẩn bị "đập heo" để rước em điện thoại mới này.

Không biết sản phẩm mới có nâng cấp bất kì trải nghiệm người dùng nào không, nhưng "hiệu ứng mồi chài tâm lý khách hàng" được Apple nói riêng và nhiều hãng điện thoại nói chung áp dụng quả thật rất cao tay. Hãy cùng điểm lại xem tại sao chúng ta lại muốn mua điện thoại mới trong khi điện thoại cũ vẫn đang còn dùng tốt nhé!

Định hướng sự tập trung của khách hàng và dư luận

Các công ty công nghệ thông thường cập nhật các tính năng tương tự trên điện thoại di động của họ hàng năm, ví dụ như cải thiện chức năng bảo mật, độ sắc nét của camera hay độ phân giải màn hình,… Tuy nhiên, nếu để cho người tiêu dùng và giới truyền thông thảo luận và đưa tin về tất cả các bản cập nhật tính năng mới sẽ làm loãng thông tin và làm giảm giá trị đổi mới của sản phẩm. Đó là lý do tại sao các hãng điện thoại luôn chú ý đến các khía cạnh nâng cấp khác nhau mỗi năm, thay vì nhảy vào mỗi bản cập nhật với tất cả các tính năng mới.

Từ cơn sốt iPhone SE 9,8 triệu mới ra mắt: Các hãng công nghệ “thao túng tâm lý” và móc ví khách hàng như thế này! - Ảnh 1.

Định hướng người dùng năm nay của iPhone là phân khúc giá rẻ chỉ 9,8 triệu đồng

Ví dụ, đối với Apple, các tính năng cập nhật được đề cập trong năm 2015 là 3D Touch, 2016 là Camera kép, 2017 là Face ID, màn hình OLED đối với năm 2018 và 2019, màn hình ProMotion 120Hz đối với 2021 và mới đây nhất là dòng điện thoại giá rẻ vào năm 2022. Với những tính năng mới lạ thay đổi hàng năm, các tín đồ của Apple sẽ khó cưỡng lại sự cám dỗ để nâng cấp thiết bị của họ.

Khai thác tâm lý khách hàng với hiệu ứng hào quang
(Halo Effect)

Hiệu ứng hào quang là một thiên vị nhận thức xảy ra khi ấn tượng đầu tiên của khách hàng quá mạnh để có thể đánh giá toàn thể vấn đề. Lấy ví dụ, nếu bạn sử dụng một chiếc điện thoại của một thương hiệu tốt, bạn sẽ cho rằng các danh mục hoặc sản phẩm khác của thương hiệu này cũng tốt như vậy, từ đó đưa ra quyết định mua hàng của thương hiệu này nhiều hơn.

Từ cơn sốt iPhone SE 9,8 triệu mới ra mắt: Các hãng công nghệ “thao túng tâm lý” và móc ví khách hàng như thế này! - Ảnh 2.

Ví dụ như cô bạn thân của tôi, cô ấy mua một chiếc iPhone và muốn mua thêm một chiếc tai nghe bluetooth để có thể dễ dàng nghe nhạc, giữa muôn vàn sự lựa chọn từ các hãng lớn như Samsung, Sony cho đến dòng tai nghe giá rẻ nhưng bền như Lenovo, cô ấy vẫn lựa chọn Airpod dù giá cả chát gấp 2-3 lần vì cho rằng mua cùng hãng sẽ dễ dàng tích hợp và bền hơn.

Có thể thấy, nếu một thương hiệu đáng tin cậy có ý nghĩa đối với khách hàng thì hiệu ứng hào quang sẽ mang lại lợi thế cho việc mở rộng thương hiệu. Từ đó, thương hiệu sẽ dễ dàng đưa khách hàng của họ "vào tròng" và kiếm chác thêm doanh thu từ những sản phẩm đi kèm.

Bẫy khách hàng với "Hiệu ứng chim mồi"

Hiệu ứng chim mồi là một hiện tượng người tiêu dùng sẽ thay đổi sở thích của họ giữa hai lựa chọn khi lựa chọn thứ ba được đưa ra, và hiệu ứng này thường xuyên được các doanh nghiệp áp dụng để tăng doanh thu bán hàng.

Năm 2017, Apple gây sốt khi tung ra iPhone X, bên cạnh iPhone 8 và 8 Plus (dùng lại thiết kế của dòng iPhone 7 nhưng mặt lưng được phủ kính), với hai lựa chọn cao cấp hơn, người tiêu dùng sẽ có xu hướng nâng cấp chiếc iPhone 7 của mình lên 8 thay vì lựa chọn tiếp tục sử dụng iPhone 7.

Từ cơn sốt iPhone SE 9,8 triệu mới ra mắt: Các hãng công nghệ “thao túng tâm lý” và móc ví khách hàng như thế này! - Ảnh 3.

Cái nào cũng đẹp, liệu bạn chọn gì?

Tạo khoảng thời gian "nghỉ" cho khách hàng chờ đợi

Các hãng điện thoại luôn công bố ra mắt sản phẩm mới trước vài tuần hoặc vài tháng so với khi sản phẩm được phát hành để tăng thêm sự mong đợi và hào hứng của khách hàng. Bên cạnh đó, những thương hiệu này đều "tung hint" nhỏ giọt để khiến khách hàng và giới truyền thông bàn tán rầm rộ, càng mong chờ hơn nữa vào sản phẩm của họ.

Từ cơn sốt iPhone SE 9,8 triệu mới ra mắt: Các hãng công nghệ “thao túng tâm lý” và móc ví khách hàng như thế này! - Ảnh 4.

Thông tin iPhone 13 với phiên bản xanh lá râm ran kể từ trước khi được phát hành vào ngày 9/3

Tạm kết lại, làm thế nào để tránh bẫy mua đồ mới vô tội vạ?

Để vượt qua "bẫy tâm lý mua hàng" mà các thương hiệu công nghệ giăng sẵn, bạn cần nghiên cứu kĩ sản phẩm trước khi mua (mức độ thường xuyên sử dụng, giá cả, tính năng) đồng thời lên kế hoạch chi tiêu và hạn mức cụ thể cho từng món hàng để tránh tình trạng "cắt đuôi bỏ đầu, vung tay quá trán".

Đồng thời, bạn cũng nên áp dụng nguyên tắc như "mua 1 bỏ 1", "chờ đợi là hạnh phúc" (chờ 1 tuần trước khi đưa ra quyết định chốt đơn mua điện thoại) nhé!

Từ cơn sốt iPhone SE 9,8 triệu mới ra mắt: Các hãng công nghệ “thao túng tâm lý” và móc ví khách hàng như thế này! - Ảnh 5.
https://KenhTinGame.Com/tu-con-sot-iphone-se-98-trieu-moi-ra-mat-cac-hang-cong-nghe-thao-tung-tam-ly-va-moc-vi-khach-hang-nhu-the-nay-2022031020004401.chn