Ra đời năm 1945, lò vi sóng nhanh chóng thống trị các nhà bếp khắp thế giới vào cuối thế kỷ 20 bởi những tiện lợi mà chúng mang lại như thời gian nấu nhanh, nhiều tiện ích và tiết kiệm năng lượng.
Lò vi sóng được phát minh bởi Percy Spencer, một kỹ sư của tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia Raytheon. Khi mới ra đời, nó có kích thước như chiếc tủ lạnh, nặng hơn 300kg và giá tới 3.000 USD, chủ yếu dùng trên tàu và xe lửa.
Năm 1967, Raytheon mới phát triển một phiên bản gần giống với lò vi sóng ngày nay, từ đó món đồ này bắt đầu lan rộng. Tới năm 1993, hơn 80% hộ gia đình và hơn 3/4 công sở của Mỹ có lò vi sóng, theo Viện vi sóng Campbell.
Lò vi sóng từng được người dân Mỹ tôn sùng bởi những tính năng cực kỳ tiện lợi - Ảnh: Rostislav Sedlacek/Fotolia
Thế nhưng, những năm gần đây lò vi sóng đang trở nên lỗi thời, bị nhiều gia đình xếp xó. Kể từ năm 2000, doanh số mặt hàng thiết bị gia dụng này bắt đầu giảm một nửa. Khi mọi người trở nên ý thức hơn về sức khỏe và quan tâm nhiều hơn đến việc nấu ăn tươi, lò vi sóng càng bị thất sủng. Một bộ phận công chúng Mỹ lo ngại về bức xạ phát ra từ lò vi sóng và khả năng chúng làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến lò vi sóng hết thời:
Thiết bị nhà bếp ngày càng đa dạng, phong phú
Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn thúc đẩy sự ra đời của nhiều loại thiết bị nhà bếp khác nhau như nồi nấu chậm, nồi sành, nồi chiên không dầu... Những đồ gia dụng mới tạo ra xu hướng nấu ăn mới và được nhiều người theo đuổi, đặc biệt người trẻ. Với sự phát triển không ngừng của thị trường thiết bị gia dụng, một số món đồ mới đang tranh giành thị trường, dẫn đến doanh số bán lò vi sóng liên tục giảm.
Lo ngại tia bức xạ có hại
Theo báo cáo của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), sóng vi ba (microwave) là một loại bức xạ điện từ hay sóng năng lượng di chuyển trong không gian. Bức xạ điện từ có các dạng khác nhau, bao gồm sóng vô tuyến, ánh sáng nhìn thấy, tia X và tia gamma.
Sóng vi ba, giống như sóng vô tuyến, là một loại "bức xạ không ion hóa", nghĩa là chúng không có đủ năng lượng để đánh bật các electron ra khỏi nguyên tử. Do đó, vi sóng không làm hỏng DNA bên trong các tế bào, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Ngược lại, tia X và tia gamma được phân loại là "bức xạ ion hóa", đủ năng lượng loại bỏ các electron khỏi nguyên tử và có thể làm hỏng tế bào và DNA.
Mặc dù vi sóng không gây ra rủi ro sức khỏe giống như tia X, nhưng điều đó không có nghĩa là không có rủi ro. Lò vi sóng làm nóng thức ăn bằng cách làm cho các phân tử nước rung động, tạo ra nhiệt. Về lý thuyết, vi sóng có thể làm nóng các mô cơ thể người giống như cách chúng hâm nóng thức ăn và ở mức độ cao, vi sóng có thể gây bỏng và đục thủy tinh thể, theo FDA.
Nhưng những loại chấn thương này rất hiếm và thường xảy ra khi con người tiếp xúc với lượng lớn phóng xạ rò rỉ qua các lỗ hở trong lò. Kết quả là, "có ít lý do để lo lắng" về việc vi sóng dư thừa rò rỉ ra khỏi lò, trừ khi có hư hỏng ở bản lề cửa, chốt... Chấn thương do bức xạ vi sóng là rất hiếm, FDA thông tin.
Ít chức năng
Có thể nấu nhiều món ăn từ lò vi sóng, nhưng hầu hết gia đình chỉ sử dụng nó để hâm thức ăn và rã đông. Họ xem đây là món đồ để hâm thức ăn thừa.
Trong khi các thiết bị gia dụng ngày càng đa chức năng, thì khả năng của lò vi sóng có vẻ hơi đơn điệu.
Người dùng lo ngại lò vi sóng có thể gây hại đến sức khoẻ
Băn khoăn về vấn đề dinh dưỡng thực phẩm
Chưa nghiên cứu nào chứng minh được sử dụng lò vi sóng gây hại cho sức khỏe con người, do đó, nó được coi là một thiết bị hữu dụng và phổ biến. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra lò vi sóng có thể làm tổn hại một số dinh dưỡng nhất định trong thực phẩm.
Một điều cần lưu ý, phương pháp nấu ăn nào cũng có thể làm tổn hao lượng dinh dưỡng trong thực phẩm, nấu bằng lò vi sóng không ngoại lệ. Ví dụ, rau và trái cây nấu trong lò vi sóng có thể bị mất một phần vitamin và chất diệp lục.
Viện nghiên cứu Thiết bị điện Gia dụng Trung Quốc, kết hợp với các tổ chức kiểm nghiệm chuyên nghiệp thực phẩm quốc gia, đã so sánh các thành phần dinh dưỡng bao gồm vitamin, chất béo, protein, khoáng chất... của thực phẩm khi được nấu trong lò vi sóng và các nguồn nhiệt khác. Kết quả cho thấy, thời gian nấu của lò vi sóng ngắn hơn các phương pháp truyền thống, do đó, lượng dinh dưỡng mất đi không đáng kể.
Chỉ riêng dinh dưỡng của các thực phẩm chứa axit béo không bão hòa như cá, thịt, lòng đỏ trứng cũng như thực phẩm chứa vi khuẩn sống như sữa chua... sẽ bị ảnh hưởng bởi lò vi sóng. Nghiên cứu chỉ ra, các chất dinh dưỡng của chúng sẽ bị phá hủy. Do đó, nên hạn chế nấu chúng trong lò vi sóng.
Tóm lại, bất kỳ hình thức chế biến ẩm thực nào, bao gồm cả đun nóng và làm lạnh, đều làm thay đổi các đặc tính vật lý, thành phần hóa học và đặc điểm dinh dưỡng của thực phẩm. Vì vậy, cần lựa chọn cách nấu thức ăn hợp lý, khoa học, vừa hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng trong thức ăn vừa đáp ứng được màu sắc và hương vị.
Độ an toàn thấp
Nhiều người hoảng sợ trước các tin tức về nổ lò vi sóng, từ nổ trứng, nổ cốc nước, nổ các loại hạt... Trên thực tế cũng có nhiều vấn đề khi sử dụng món đồ này. Không phải tất cả các chất liệu đều có thể cho vào lò vi sóng, đặc biệt là innox và nhựa. Nhựa có thể chảy, còn vật bằng kim loại có thể tạo ra nguy cơ phóng điện và gây nổ.
Khó chế biến đồ ăn
Chức năng chính của lò vi sóng không phải để làm chín thức ăn mà là một thiết bị gia dụng giúp chúng ta hâm nóng thức ăn, rã đông. Nếu bạn muốn dùng lò vi sóng để làm thức ăn thì hương vị còn thua xa các thiết bị nhà bếp khác.