Tuổi đời hơn chục nồi bánh chưng, đếm sơ sơ đã 3 lần iPhone bắt hội “anh hùng bàn phím” phải nín lặng

Trên bước đường của kẻ thành công luôn có dấu tích chen chân của antifan, và iPhone của Apple cũng quá quen mặt với điều này.

Bước đường đến thành công chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại, thậm chí đàn đàn lũ lũ các "hater" sẵn sàng đứng ra chỉ trích cản đường cũng là điều dễ hiểu. Trong giới công nghệ, các ông lớn thương hiệu hàng đầu hẳn sẽ thấu hiểu và thấm thía toàn bộ những trải nghiệm này, đặc biệt là Apple trong quá trình hơn chục năm có lẻ phát triển dòng iPhone của mình. Bất kỳ một thế hệ iPhone mới nào cũng đều trở thành mục tiêu chà đạp của lực lượng antifan hùng hậu, không vì thiết kế thì là tính năng, đâu đâu cũng thấy những dấu tích bới lông tìm vết chưa khi nào ngừng.

Tuổi đời mới hơn chục nồi bánh chưng, đếm sơ sơ đã ít nhất 3 lần iPhone khiến antifan phải nín lặng - Ảnh 1.

Dẫu vậy, bấy nhiêu đó đâu có đủ để khuất phục vị thế của chiếc smartphone cao cấp hàng đầu thế giới, bởi đếm qua đã thấy 3 pha comeback ngoạn mục của iPhone khiến người đời khâm phục vì tài nhìn xa trông rộng của Apple.

1. Phát súng đầu tiên xuất phát vào năm 2014 khi iPhone 6 ra đời, người người nhà nhà vỡ oà khi chứng kiến một thiết kế mới đầy ngạc nhiên. Cạnh góc máy bo tròn khác biệt so với những iPhone 4, iPhone 5 cứng rắn, đồng thời phiên bản iPhone 6 Plus cũng mở ra một xu hướng chưa từng có của Apple. Nói cách khác, đây là lần đầu tiên Apple chủ động làm vừa lòng cộng đồng người dùng yêu thích smartphone màn hình lớn - thứ mà cố CEO Steve Jobs từng ghét cay ghét đắng, chỉ gắn bó ưa thích với kích cỡ 4 inch nhỏ gọn thời trước.

Tuổi đời mới hơn chục nồi bánh chưng, đếm sơ sơ đã ít nhất 3 lần iPhone khiến antifan phải nín lặng - Ảnh 2.

Mặc cho những hứng thú và kỳ vọng ngập tràn, một đặc trưng của iPhone 6 vẫn cứ bị lôi ra bàn tán rợp trời cũng bởi sự mới mẻ của nó: Dải ăng-ten nằm ở mặt lưng. Không giống như những thế hệ trước, Apple đã đặt ăng-ten một cách rõ rệt kéo dài song song ở gần cạnh trên và dưới, tạo thành 2 vệt mờ trắng nổi lên trên khung máy. Điều đó phần nào khiến nhiều người cảm thấy lạc lõng, không liền mạch và "chướng mắt", lạ lẫm so với hình ảnh quen thuộc trước đó. Và cứ thế, họ xoáy sâu vào một chi tiết nhỏ này để cho rằng iPhone 6 sẽ thất bại vì đã phá hỏng hình thượng hoàn hảo chi li mà Apple gây dựng bấy lâu nay.

Ấy vậy, thực tế đã chứng minh điều ngược lại hoàn toàn khi thế hệ iPhone 6/6 Plus đứng đầu vô đối trong danh sách điện thoại cảm ứng bán chạy nhất mọi thời đại, với kỷ lục 222 triệu sản phẩm bán ra, chưa có một đối thủ nào đủ sức đánh bại

2. Qua thời iPhone 6, dân tình không còn đồn đoán chê cười iPhone 6S về dải ăng-ten nữa, nhưng lại tiếp tục để dành công sức "khẩu nghiệp" cho iPhone 7. Thiết kế giống hệt đời trước, camera thô kệch, và đặc biệt là quyết định bỏ cổng cắm tai nghe truyền thống, thay bằng duy nhất cổng Lightning đã khiến không ít người phẫn nộ, lấy bàn phím làm vũ khí chỉ trích mọi nơi.

Tuổi đời mới hơn chục nồi bánh chưng, đếm sơ sơ đã ít nhất 3 lần iPhone khiến antifan phải nín lặng - Ảnh 3.

Dĩ nhiên, lời nói của họ có phần đúng, bởi Apple hầu như chỉ thay đổi hình dáng dải ăng-ten cùng cấu hình chung, không làm mới thiết kế ngoại hình bên ngoài trừ việc có thêm camera kép ở phiên bản 7 Plus. Hơn nữa, việc Apple vẫn giữ lại hình thái camera lồi cũng khiến nhiều người phật ý, bởi nhiều đối thủ khác đã dần triệt tiêu được nhược điểm đó để mặt lưng thanh thoát, phẳng lặng hơn.

Bất chấp định kiến và dị nghị, iPhone 7/7 Plus bán ra được 78 triệu bản, chính thức ghi tên vào sử sách với thứ hạng Top 4 bán chạy nhất mọi thời đại trong hạng mục điện thoại cảm ứng.

3. iPhone X là phiên bản được Apple tự hào và dành nhiều công sức biến hoá nâng cấp nhất trong lịch sử, tưởng như sẽ miễn nhiễm với gần như mọi điều tiếng nhưng hoá ra không phải. Vẫn còn đó một cái gai trong mắt nhiều antifan khiến họ không thể ngồi yên, buồn lời đâm chọc thiết kế màn hình “tai thỏ” của Apple. Dù đã cố gắng tối ưu hoá diện tích hiển thị tràn cạnh nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ để tìm chỗ thay thế cho vị trí đặt cảm biến mặt trước, đó là lý do khoảng “tai thỏ” được sinh ra và che khuyết một phần màn hình iPhone X. Nhược điểm lớn nhất bị xoáy sâu vào là việc nội dung hình ảnh sẽ khuất đi ở cạnh viền đó, gây mất cân đối và trải nghiệm không toàn diện.

Tuổi đời mới hơn chục nồi bánh chưng, đếm sơ sơ đã ít nhất 3 lần iPhone khiến antifan phải nín lặng - Ảnh 4.

Thế nhưng mọi chuyện đã xoay chuyển theo chiều hướng đầy tính “plot-twist”. Màn hình tai thỏ trở thành một hot trend rầm rộ được hàng tá đối thủ khác học theo, trong khi iPhone X vẫn trở thành smartphone bán đắt hàng nhất năm 2018. Thậm chí, nếu không quá rành rọt về dáng hình từng chiếc “tai thỏ” của mỗi thương hiệu, nhiều người có thể nhầm nhiều phiên bản smartphone khác thành iPhone X cũng nên.