Theo The Guardian, việc xây dựng đài quan sát thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới mang tên Square Kilometer Array (SKA) đã chính thức bắt đầu tại Úc sau 3 thập kỷ chuẩn bị. Lễ động thổ mảng đầu tiên của cả hệ thống - SKA-Low ở Úc - vừa được tổ chức hôm 5-12.
SKA được ca ngợi là dự án khoa học lớn nhất của thế kỷ, được chính phủ Úc phát triển với mục tiêu giúp các nhà khoa học nhìn sâu vào không gian xa hàng tỉ năm ánh sáng để hiểu về thời kỳ đầu của lịch sử vũ trụ, khi những ngôi sao và thiên hà đầu tiên được hình thành.
Nó cũng sẽ được sử dụng để tìm hiểu về năng lượng tối cũng như lý do vũ trụ giãn nở. Một mục tiêu được chờ đợi khác là tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.
Theo Space, hệ thống SKA ban đầu sẽ bao gồm 2 mảng kính viễn vọng lớn là mảng SKA-Mid, được đặt tại sa mạc Karoo ở Nam Phi và mảng SKA-Low, đặt tại hoang mạc Tây Úc, phía bắc Perth.
Mảng SKA-Mid ở Karoo sẽ quét bầu trời để tìm các nguồn sóng vô tuyến ở dải tần số trung bình từ 350 MHz đến 15,4 GHz bằng cách sử dụng 197 đĩa, mỗi đĩa có đường kính 15 mét. Mảng SKA-Low ở Úc sẽ dựa vào 131.072 ăng-ten lưỡng cực để phát hiện sóng vô tuyến có tần số từ 50 đến 350 MHz.
Sóng vô tuyến, có bước sóng dài hơn nhiều so với ánh sáng khả kiến, xuyên qua bụi và mảnh vụn, cho phép các nhà thiên văn học quan sát các vùng không gian bị che khuất bởi các loại đài quan sát khác. Đó là lý do các đài thiên văn vô tuyến có thể nhìn thấu những nơi xa xôi, khuất lấp mà các dạng đài quan sát khác bó tay.
Theo bà Catherine Cesarsky, Chủ tịch hội đồng Đài thiên văn SKA (SKAO), cơ sở viễn thám vũ trụ này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng mới trong nghiên cứu thiên văn. Nó cũng thân thiện với môi trường do hầu hết năng lượng hoạt động đến từ các nguồn tài nguyên tái tạo.
Do độ nhạy cực cao của ăng-ten, các mảng cần được đặt ở những vị trí xa nơi cấm sử dụng máy thu thanh thông thường để tránh nhiễu tín hiệu.
Đài thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới hiện tại là ALMA đặt tại sa mạc Antacama của Chile.