Trong một báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Công an cho biết "tín dụng đen" thời gian qua phát sinh nhiều thủ đoạn mới, tiềm ẩn phức tạp. Ngoài những cách thức cho vay truyền thống, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" chuyên lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên… vay tiền.
Đổi tên, đánh cắp thông tin người dùng
Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" chuyển hướng sang lập các doanh nghiệp "núp bóng" cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo như: không phải thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là thay cho tiền lãi bất chính); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống, ép người đi vay dùng tiền vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép...
Đặc biệt, hoạt động cho vay qua app, website phát triển, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản và liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" (có khoảng 200 ứng dụng cho vay trực tuyến).
"Các ứng dụng này thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... để sử dụng vào những mục đích trái pháp luật" - Bộ Công an cảnh báo.
Theo thống kê của Bộ Công an, tại Việt Nam hiện có hơn 100 công ty lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến (Vnvon, sieudong, Eloan, Moneybank...), hầu hết có vốn nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Indonesia...) đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính và kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để cho vay tiền, thu hồi nợ.
"Các doanh nghiệp này thường đăng ký "núp bóng" thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp thường tạo ra nhiều ứng dụng cho vay với tên gọi khác nhau để hoạt động cho vay lãi nặng với thủ đoạn tương tự các đối tượng hoạt động tín dụng đen" - Bộ Công an nhận định.
Tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ ứng dụng
Để đẩy lùi tội phạm "tín dụng đen", đại diện Bộ Công an đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an ứng dụng hiệu quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có liên quan trong quản lý số thuê bao, tài khoản ngân hàng, các tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay nhằm xác thực thông tin, hạn chế, xóa bỏ các số thuê bao điện thoại, các tài khoản ngân hàng không chính chủ (SIM rác, tài khoản rác).
Kịp thời phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan phát hiện, yêu cầu doanh nghiệp có liên quan tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động với các ứng dụng, website có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen", có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định.
"Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay dễ phát sinh hoạt động "tín dụng đen", trong đó có hoạt động vay trực tuyến, vay qua app, vay ngang hàng, về việc người nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ cho vay tại Việt Nam" - Bộ Công an đề xuất.
Dưới góc độ chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, Tập đoàn Công nghệ Bkav, đề nghị cần có sự can thiệp mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng như cấm các hoạt động quảng cáo về những ứng dụng cho vay tiền qua online. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông về những nguy cơ của các app cho vay tiền qua online kiểu này cho người dân cùng biết và tránh xa.
"Nhu cầu vay tiền như thế này của người dân là rất lớn, do đó cần sớm thay đổi về các chính sách theo hướng phù hợp cho người dân có nhu cầu vay tiền, trong một số trường hợp thì các thủ tục cần đơn giản và nhanh chóng hơn" - ông Cường nói.
Theo đại tá Hoàng Ngọc Bách, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành; trong đó, cơ quan pháp luật tiến hành công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí tuyên truyền cho người dân hiểu biết cách thức hoạt động tinh vi của các app; đến các đơn vị tài chính, các công ty tài chính có nhiều “cửa mở” khi cho người dân tiếp cận nguồn vốn để không vướng bẫy “tín dụng đen”. |