Phòng ngủ của Wang Le tối tăm và yên tĩnh. Âm thanh duy nhất đến từ những cú bấm chuột và bàn phím. Anh không thể sống và làm việc như người bình thường trong gần thập kỷ vì chứng bệnh sợ xã hội, Internet là kết nối duy nhất anh có với thế giới bên ngoài. Thậm chí, nó còn cứu mạng anh.
Họ hàng của Wang mang thức ăn đến cổng mỗi tuần hoặc hai tuần một lần vì anh không thể đặt hàng qua điện thoại. Mùa xuân, anh định tự tử nhưng không thành. Vừa sợ chết, nhưng cũng không dám sống, anh chia sẻ lên Weibo và nhận được tin nhắn từ người lạ ngay sau đó. “Bạn có ổn không? Bạn có muốn nói chuyện với tôi không”.
Những năm cuối của tuổi 20, Wang sống một mình trong thị trấn nhỏ miền Bắc Trung Quốc. Cha mẹ anh đang đi làm tại thành phố. Tin nhắn khiến anh cảm động vì biết rằng ai đó trên thế giới vẫn còn quan tâm tới mình.
Từ đó, Wang kết bạn với người lạ - thực chất là chuyên gia tư vấn tâm lý. Cô tìm ra Wang nhờ sự hỗ trợ của bot Tree Hole, chương trình AI phát hiện ý định tự tử trên Weibo và cảnh báo cho một nhóm gần 600 học giả, tư vấn viên, tình nguyện viên.
Ra mắt tháng 7/2018, theo Huang Zhisheng – sáng lập viên chương trình, chuyên gia trí tuệ nhân tạo cao cấp Đại học Vrije - nhóm đã ngăn chặn hơn 1.000 vụ tự tử. Do nhóm có quy mô nhỏ và phi lợi nhuận, họ chỉ có thể xử lý các trường hợp khẩn cấp, một số trường hợp còn nằm ngoài tầm với của họ.
Bot được đặt tên là Tree Hole (hốc cây) vì nó quét các bài viết thổ lộ bí mật thầm kín trên mạng xã hội. Một trong những bài viết “tree hole” nổi tiếng nhất là vào năm 2012, do một cô gái trầm cảm đăng lên trước khi tự sát. Người dùng vẫn có thể bình luận vào bài viết này và tới nay đã có hơn 1 triệu bình luận.
Tại Trung Quốc, ít nhất 136.000 người tự tử trong năm 2016, chiếm 17% tổng số các ca tự tử trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ WHO. Tự tử là nguyên nhân tử vong phổ biến thứ hai trong số những người từ 15 đến 29 tuổi, vẫn theo WHO. Tổ chức Y tế thế giới dự đoán 1,5 triệu người sẽ tự sát trong năm tới.
Dù nghiên cứu chỉ ra một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn tự sát là để người đó trò chuyện với người thực sự quan tâm tới mình, người như Wang không chỉ thiếu hỗ trợ từ gia đình, họ còn sống trong thành phố nhỏ, không có cơ hội hoặc hạn chế tiếp cận với dịch vụ tâm lý. Với họ, công nghệ AI đóng vai trò cơ bản trong việc kết nối những tâm hồn cô độc với chuyên gia.
Trên thế giới, các gã khổng lồ như Google, Facebook, Pinterest cũng dùng AI để truy tìm nguy cơ tự tử của người dùng, xác định nội dung tự sát/tự làm tổn thương. Dù vậy, vẫn có hạn chế khi sử dụng AI.
Tree Hole tự động quét Weibo mỗi 4 tiếng, đánh dấu các bài viết chứa từ/cụm từ như “chết”, “giải thoát khỏi cuộc sống”, “chấm dứt thế giới”. Bot được lập trình dựa trên biểu đồ về khái niệm, biểu hiện tự tử, phân tích ngữ nghĩa để hiểu được nếu “không muốn” và “sống” nằm trong cùng một câu có thể gợi ý xu hướng muốn tự sát.
Ngược lại, Facebook đào tạo thuật toán ngăn chặn tự sát AI bằng hàng triệu trường hợp xảy ra thực tế. Từ tháng 4 tới tháng 6, mạng xã hội đã xử lý hơn 1,5 triệu nội dung tự sát, làm hại bản thân, hơn 95% trong số này được phát hiện trước cả khi được ai đó báo cáo.
Theo Huang, mức độ chính xác của Tree Hole – nay bước sang thế hệ 6 – chạm mốc 82%. Một số đại học nước ngoài đã mời Huang đến hợp tác và mở rộng bot ra quốc tế.
Theo dõi và lưu trữ dữ liệu sức khỏe tinh thần mà không được sự đồng ý của người dùng gây lo ngại về quyền riêng tư. Trong trường hợp của Tree Hole, nó chỉ theo dõi Weibo – một nền tảng mở. Ngoài ra, cứu sống mọi người được xem là ưu tiên cao hơn bảo vệ quyền riêng tư.
Huang phân các bài viết tự sát thành 10 cấp độ, cấp cao nhất đòi hỏi hành động khẩn cấp vì chúng chứa thông tin chi tiết như thời gian, địa điểm, phương thức. Chỉ có những bài viết từ cấp độ 5 trở lên được báo cáo cho nhóm. Giờ cao điểm của các bài viết như vậy từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, 3/4 người đăng là nữ.
Wang giữ liên lạc với tư vấn tâm lý từ nhóm Tree Hole để giảm nhẹ sự đau khổ thường trở đi trở lại. Li Jiayi, một trong những người đang liên hệ với Wang, cho biết cô có ít nhất 20 ca như vậy và luôn bận rộn với công việc toàn thời gian.
Huang đang phát triển bot trò chuyện, với hi vọng có thể giao tiếp với con người tương tự các chuyên gia thực sự. Bot sẽ được lập trình để phản ứng đúng đắn với những người nhạy cảm. Tuy nhiên, từ góc độ đánh giá tâm lý, trò chuyện trên mạng không thể hiệu quả bằng tư vấn trực tiếp do họ có thể nhìn vào biểu hiện, chuyển động của người đối diện.
Do vậy, các nhà khoa học đã phát triển AI có thể phát hiện người trầm cảm bằng cách quét gương mặt. Một nhóm tại Đại học Stanford do Fei-Fei-Li dẫn đầu thiết kế hệ thống chẩn đoán, kết hợp nhận diện gương mặt 3D và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đạt độ chính xác 88,3%. Tại Trung Quốc, vài startup đang nghiên cứu tương tự. WonderLab và Huayuntong viết chương trình theo dõi sức khỏe tinh thần của tù nhân bằng cách theo dõi chuyển động mắt, nhịp thở, biểu hiện gương mặt, giọng nói.
Tuy AI không thể thay thế chuyên gia tâm lý nhưng với những người như Wang, cuộc sống của anh đã thực sự được cải thiện. Sau khi tư vấn viên từ Tree Hole thuyết phục mẹ về sống cùng, anh được ăn uống đều đặn hơn.
Nguồn: https://ictnews.vn/cntt/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-cuu-song-ca-ngan-nguoi-muon-tu-sat-192532.ictNguồn: https://ictnews.vn/cntt/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-cuu-song-ca-ngan-nguoi-muon-tu-sat-192532.ict