Internet ở Trung Quốc khác hoàn toàn với phần còn lại của thế giới, hầu hết các dịch vụ tại đây đều bị kiểm duyệt.
Ví dụ, TikTok, một công ty Trung Quốc đã bị cáo buộc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng. Tương tự, Grindr, một nền tảng hẹn hò trực tuyến thuộc sở hữu của Trung Quốc dành cho người đồng tính bị nghi ngờ là công cụ theo dõi và gây nguy hiểm cho người dùng Mỹ.
WeChat là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc và đứng thứ ba trên thế giới. Công ty vẫn có những nỗ lực để mở rộng thị trường, tuy nhiên, giống như bất kì nền tảng nào khác đang hoạt động tại Trung Quốc, WeChat vẫn phải tuân theo các quy tắc của chính phủ xung quanh những nội dung bị cấm.
Theo báo cáo của Citizen Lab, WeChat đã âm thầm thực hiện việc kiểm duyệt đối với người dùng có tài khoản đăng kí bằng số điện thoại tại Trung Quốc mà không cần báo trước.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện WeChat kiểm soát luôn cả dữ liệu (tài liệu, hình ảnh) được chia sẻ giữa các tài khoản đăng kí bên ngoài Trung Quốc.
Trong phần điều khoản, WeChat không hề công khai việc giám sát dữ liệu người dùng bên ngoài Trung Quốc để xây dựng hệ thống kiểm duyệt.
Cả hai kho ứng dụng Google Play và Apple Store đều yêu cầu các nhà phát triển ghi chú rõ ràng những dữ liệu mà họ thu thập, tuy nhiên, WeChat không hề đề cập đến việc này trong phần chính sách bảo mật. Bên cạnh đó, công ty cũng không bao giờ trả lời email được gửi bởi các nhà nghiên cứu liên quan đến chương trình giám sát.
Vào năm 2013, WeChat đã âm thầm truyền bá bản đồ có chứa đường lưỡi bò trái phép vào Việt Nam. Trong quá trình cài đặt, Tencent (công ty phát triển WeChat) yêu cầu người dùng chấp nhận khá nhiều điều khoản, trong đó có đoạn đồng ý với mọi thông tin trên ứng dụng là đúng sự thật.
Khi sử dụng phiên bản tiếng Việt của WeChat, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn được hiển thị. Tuy nhiên, trên phiên bản WeChat tiếng Trung (được gọi là Weixin), ứng dụng sẽ thể hiện rõ ràng bản đồ đường lưỡi bò trái phép. Điều này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của rất nhiều người dùng vào thời điểm đó.
Bản đồ lưỡi bò trái phép trên các thiết bị, ứng dụng Trung Quốc. Ảnh: TIỂU MINH
Không riêng gì ứng dụng mà nhiều sản phẩm xách tay từ Trung Quốc về Việt Nam, chủ yếu là điện thoại hầu như đều được cài sẵn ứng dụng có chứa bản đồ đường lưỡi bò trái phép.
Trong trường hợp mua điện thoại xách tay trên mạng có chứa bản đồ đường lưỡi bò, người dùng nên mang máy đến các cửa hàng uy tín và nhờ họ cài đặt lại bản ROM quốc tế. Ngoài ra, bạn cũng nên thận trọng với những sản phẩm, thiết bị có nguồn gốc không rõ ràng, nhất là những phần mềm bản đồ của Trung Quốc.
Thay vào đó, người dùng hãy thử cài đặt các ứng dụng bản đồ khác như Google Maps, HERE Map, VietMap... đồng thời thận trọng khi mua các thiết bị công nghệ dành riêng cho thị trường Trung Quốc.