Các nhà nghiên cứu Ấn Độ phát hiện rằng uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày, hoặc tương đương 400mg caffeine, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như huyết áp cao. Trong tuyên bố của mình, Tiến sĩ Nency Kagathara, tác giả nghiên cứu cho biết: “Việc tiêu thụ caffeine thường xuyên có thể làm rối loạn hệ thống phó giao cảm, dẫn đến huyết áp và nhịp tim tăng cao. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm xác định tác động của việc tiêu thụ caffeine mãn tính đối với sức khỏe tim mạch, cụ thể là sự phục hồi nhịp tim và huyết áp”.
Không chỉ cà phê, các nhà nghiên cứu cũng thực hiện với cả trà và đồ uống có ga (Coke, Pepsi, Redbull, Sting và Monster). Nhóm của Kagathara đã tuyển dụng 92 người trong độ tuổi từ 18 đến 45 không bị huyết áp cao. Mỗi người tham gia đều trải qua các bài kiểm tra bước 3 phút. Các nhà nghiên cứu đã đo nhịp tim và huyết áp của từng cá nhân 1 phút và 5 phút sau khi kiểm tra. Họ cũng ghi lại dữ liệu nhân khẩu học xã hội và thói quen tiêu thụ caffeine của mỗi tình nguyện viên.
Sau khi đánh giá dữ liệu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 19,6% người tham gia tiêu thụ hơn 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương 4 tách cà phê, 2 lon nước tăng lực hoặc 10 lon soda. Tiêu thụ hơn 400 mg caffeine sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, chịu trách nhiệm cho các chức năng của cơ thể bao gồm nhịp tim và huyết áp. Do đó, uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày trong thời gian dài có thể dẫn đến nhịp tim và huyết áp cao.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tình nguyện tiêu thụ hơn 600mg caffeine mỗi ngày có nhịp tim và huyết áp “tăng đáng kể” sau 5 phút nghỉ ngơi sau khi tập thể dục.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhóm cụ thể có lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày cao nhất. Cụ thể, những người làm việc trong các vai trò kinh doanh và quản lý, sống ở khu vực thành thị có nhiều khả năng tiêu thụ nhiều caffeine hơn.
Bản thân việc huyết áp cao là một nguy cơ đối với sức khỏe. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim khác, bao gồm bệnh động mạch vành và suy tim. Các nguy cơ khác liên quan đến huyết áp cao bao gồm bệnh thận mãn tính và chứng mất trí.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến huyết áp ngoài cà phê, bao gồm sử dụng rượu, hút thuốc, tuổi tác, di truyền và tiêu thụ muối đều có thể góp phần gây ra huyết áp cao. Thay đổi lối sống, như tăng cường hoạt động thể chất và lựa chọn chế độ ăn uống bổ dưỡng, có thể làm giảm nguy cơ huyết áp cao.