Vật chất từ sinh vật ngoài hành tinh tình cờ... phun trúng tàu NASA?

Tàu thăm dò Cassini-Huygens từng lao qua một làn hơi nước mặn phun lên ào ạt từ mặt trăng sao Thổ Enceladus. Làn hơi nước đó có thể chứa dấu hiệu trực tiếp của sự sống ngoài hành tinh.

Đó là khẳng định của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà sinh vật học Regis Ferriere từ Đại học Arizona (Mỹ). Họ tin rằng lượng khí mê-tan dồi dào trong hỗn hợp hơi nước phun trúng tàu vũ trụ này chính là sản phẩm của các "methanogens", tức các vi sinh vật "ăn" khí dihydro và thải ra mê-tan.

Methanogens là một nhóm vi sinh vật rất dồi dào trên Trái Đất, ẩn mình cả ở những nơi khó sống nhất hành tinh, vì vậy nếu điều đó đúng, "mặt trăng sự sống" mà NASA luôn theo đuổi này thực sự có những dạng sự sống ngoài hành tinh rất giống với sự sống Trái Đất.

Theo Science Alert, các nhà nghiên cứu đã kết hợp các quá trình sinh học và địa hóa đã biết về Enceladus để xem xét liệu hỗn hợp mê-tan, dihydro và carbon dioxide này có liên quan đến hoạt động sinh học.

Đầu tiên, họ xem xét lượng dihydro xem chúng có thể được tạo ra bằng hoạt động thủy nhiệt được cho là xảy ra mạnh mẽ ở khắp biển ngầm dưới băng của Enceladus hay không, có đủ dồi dào để nuôi sống các sinh vật sơ khai tương tự vi khuẩn cổ đại của Trái Đất hay không (hệ thống thủy nhiệt cũng được coi là "chiếc nôi sự sống" của Trái Đất). Câu trả lời là có, mê-tan của Enceladus quả thật sinh ra bởi các quá trình địa hóa.

Tiếp theo, họ xem xét mê-tan xem đó có phải là sản phẩm sinh học hay không. Mô hình chỉ ra rằng mê-tan này có thể bao gồm cả mê-tan nguyên thủy trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời lẫn sinh ra trong các quá trình hữu cơ.

Các tác giả khẳng định công trình không giúp khẳng định đại dương ngầm của Enceladus có sự sống, nhưng chỉ ra bằng chứng cho thấy thứ đã phun ồ ạt vào Cassini khi nó bay ngang rất có thể mang bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh. Bản thân tàu Cassini cũng không có khả năng phân tích hay đem về bằng chứng cụ thể về điều này. Tuy nhiên nghiên cứu sẽ là định hướng quan trọng cho các sứ mệnh tương lai của NASA – trong đó Enceladus sẽ được "chăm sóc" kỹ càng.