Vì sao chúng ta chưa gặp được người ngoài hành tinh?

"Mọi người đâu rồi?" câu nói của vật lý lỗi lạc Enrico Fermi hồi thế kỷ 19 đã tóm tắt "nghịch lý Fermi" trong cuộc tìm kiếm người ngoài hành tinh.

"Nghịch lý Fermi" liên quan đến người ngoài hành tinh lập luận rằng nếu sự sống xuất hiện ở đây, trên Trái Đất, và vũ trụ có xu hướng không chỉ làm một việc một lần, thì sự sống cũng phải xuất hiện ở nơi khác.

Theo đó, vũ trụ hiện tại phải tràn ngập những nền văn minh có công nghệ tiên tiến đủ đến tiến hành các chuyến du hành không gian. Thế nhưng rõ ràng nhân loại chưa tìm thấy họ. Cũng không ai tìm thấy chúng ta.

Cặp tàu Voyager của NASA, mang theo 2 chiếc đĩa vàng ghi lại thông điệp của người Trái Đất, đã ra khỏi hệ Mặt Trời rất xa sau gần nửa thế kỷ du hành, nhưng chưa có vị khách nào gặp chúng.

Viết trên The Conversation, GS Chris Impey, nhà thiên văn học nổi tiếng từ Đại học Arizona (Mỹ) cho rằng một trong những lý do lớn khiến nhân loại không tìm thấy sự sống ngoài hành tinh đó là việc không biết chân dung thực của họ, hoặc chúng.

"Nhưng nếu sự sống có thể hình thành theo những cách khác thì sao? Làm sao bạn tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh khi bạn không biết sự sống ngoài hành tinh trông như thế nào?" - GS Impey chỉ ra.

Những câu hỏi này làm bận tâm các nhà sinh vật học vũ trụ trong nhiều năm qua. Họ đã cố gắng đưa ra các quy tắc chung chi phối sự xuất hiện của các hệ thống vật lý và sinh học phức tạp trên Trái Đất và ngoài Trái Đất.

Kể từ lần đầu tiên phát hiện ra một ngoại hành tinh vào năm 1995, hơn 5.000 ngoại hành tinh, tức hay các hành tinh quay quanh các ngôi sao khác, đã được tìm thấy. Nhiều cái trong số đó nhỏ và nhiều đá, giống như Trái Đất, nằm trong vùng có thể ở được của các ngôi sao của chúng.

Các nghiên cứu khác cũng dự đoán phải có khoảng 300 triệu địa điểm có thể sống được trong thiên hà Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta, là các ngoại hành tinh, mặt trăng của chúng, hành tinh lùn...

Sự không chắc chắn đối với các nhà nghiên cứu bắt đầu từ định nghĩa về sự sống.

NASA định nghĩa sự sống là “phản ứng hóa học tự duy trì có khả năng tiến hóa theo thuyết Darwin”. Điều đó có nghĩa là các sinh vật có hệ thống hóa học phức tạp tiến hóa bằng cách thích nghi với môi trường của chúng.

Thuyết tiến hóa Darwin cũng nói rằng sự sống còn của một sinh vật phụ thuộc vào sự thích nghi của nó trong môi trường.

Vì vậy, sinh vật được ra đời trên một thế giới khác chúng ta sẽ rất khác chúng ta. Nếu họ đã tiến hóa thành một dạng người, khả năng cao là cũng rất khác chúng ta và kỳ lạ hơn nhiều so với người ngoài hành tinh trong phim ảnh. Do đó, điều cần làm có lẽ là tìm cách phân tích và dự đoán xem các môi trường khác Trái Đất có thể khiến sự sống - nếu có - khác biệt đến mức nào. Ngoài ra, có một lập luận nổi tiếng khác đi ngược lại với Fermi: Lập luận về "bộ lọc lớn" mà nhà kinh tế học Robin Hanson nêu chi tiết vào năm 1996.

Ông cho rằng rất ít nền văn minh nào trong vũ trụ đạt đến giai đoạn du hành vũ trụ tiên tiến đủ đến mức gặp gỡ được các nền văn minh trong hệ sao khác.

Một trong những ví dụ đó chính là chúng ta. Một số tàu NASA đã thoát khỏi hệ Mặt Trời, nhưng mới chỉ lang thang ở phần rìa của "quê hương", còn xa mới chạm tới hệ sao gần nhất. Nếu có một nền văn minh tiên tiến ngoài đó - đủ để đi ngang và bắt gặp cặp Đĩa vàng Voyager của NASA chẳng hạn, họ cần có trình độ công nghệ vượt xa chúng ta, có thể là vượt nhiều thế kỷ.