Thời gian gần đây, người dùng YouTube tại Việt Nam liên tục phàn nàn về việc gặp phải những đoạn quảng cáo sản phẩm đông y, game online gây khó chịu khi xem video trên nền tảng này.
Theo đó, những đoạn quảng cáo này xuất hiện với tần suất dày đặc, nội dung là quảng cáo sản phẩm thuốc đông y trị bệnh với những câu nói gây ám ảnh như: "Nhà tôi 3 đời trị sỏi thận". Đáng chú ý, xuất xứ và nguồn gốc của những sản phẩm trị bệnh này vô cùng mập mờ, chỉ dựa vào những tuyên bố không hề có căn cứ của người quảng cáo.
Quảng cáo "3 đời trị sỏi thận" gây ức chế
Vấn đề đầu tiên, như đã nói, là những quảng cáo dạng này khiến người xem vô cùng khó chịu vì chúng thường xuất hiện vào ngay giữa khi video đang phát, làm gián đoạn nội dung cũng như mất hứng. Tưởng tượng bạn đang bật nhạc nhẹ để dễ ngủ sau một ngày làm việc vất vả thì bỗng từ đâu một giọng nói gây ám ảnh vang lên với câu nói quen thuộc - vô cùng khó chịu.
Hiện tượng này phổ biến đến mức cư dân mạng đã cho ra lò loạt meme phản ánh
Thậm chí, có thành viên Facebook còn chia sẻ đoạn tìm kiếm Google của người nhà lớn tuổi, khiến dân mạng vừa bức xúc thay, vừa cảm thấy khá hài hước
Đứng trước tình trạng này, nhiều chuyên gia giải thích rằng do các nền tảng số khác đã thắt chặt quảng cáo về mặt hàng thuốc trị bệnh, nên những đơn vị trên dồn toàn bộ chi phí vào YouTube. Bằng cách đó, cộng thêm việc "săn deal" quảng cáo giá hời, họ dễ dàng đánh bại nhiều nhà quảng cáo khác khi đấu thầu cho mỗi lần hiển thị.
Theo nhiều chuyên gia ước tính, giá hiển thị quảng cáo trung bình ở Việt Nam là 100 - 200 VNĐ/ lượt, nhưng các đơn vị quảng cáo thuốc đông y sẵn sàng chi tới 500 - 1.000 VNĐ/ lượt. Có được điều này còn là nhờ biên lợi nhuận cao ngất ngưởng của những sản phẩm bán ra. Ngoài ra, những cơ sở bán thuốc này còn không ngại lách luật và vượt mặt YouTube. Theo quy định của YouTube, những sản phẩm thuốc theo toa, thực phẩm và dược phẩm không rõ nguồn gốc sẽ bị hạn chế quảng cáo, nhưng những đơn vị này đã "phù phép" ra những loại giấy phép hay kiểm định.
Đáng chú ý, những đoạn quảng cáo này không chỉ đơn thuần phiền phức một cách vô hại mà còn khá mờ ám. Cụ thể, đối tượng được hướng đến nhiều nhất là người dùng cao tuổi, các địa phương vùng sâu vùng xa, người dùng YouTube TV, những người chưa có nhiều kinh nghiệm với các chiêu trò quảng cáo công nghệ cao. Chưa kể, nội dung còn tinh vi sử dụng hình ảnh những người ăn vận giống thầy thuốc, với những tuyên bố chắc nịch và hình thức truyền tải giống các đài truyền hình.
Hậu quả là, họ rất dễ bị dẫn dụ và bỏ tiền mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc này về, tiền mất tật mang mà không thể làm gì được những đơn vị trên. Đối với những người lớn tuổi, không có kinh nghiệm về công nghệ, họ không thể báo cáo và chặn lượt hiển thị của những quảng cáo dạng này, càng khiến chúng phổ biến hơn và thực hiện thành công chiến lược "mưa dầm thấm lâu".
Ngoài "3 đời trị sỏi thận", một loại quảng cáo phổ biến hơn ở đối tượng người dùng trẻ hoặc hay theo dõi các kênh YouTube nước ngoài là các quảng cáo game online. Quảng cáo dạng này có 2 loại gây khó chịu nhất cho người xem. Một là quảng cáo của tựa game nước ngoài với nội dung nhàm chán nhưng xuất hiện dày đặc với nội dung na ná nhau, cùng việc reviewer nói những câu lặp đi lặp lại gây ám ảnh cho người xem.
Chiến lược của những tựa game này cũng là phủ sóng mọi lúc mọi nơi, "oanh tạc" trải nghiệm xem của người dùng nhằm "mưa dầm thấm lâu", thu hút số lượng người chơi đông đảo và từ đó lại có thêm doanh thu để quảng cáo tiếp. Tất nhiên, để làm được điều đó, họ cũng áp dụng hình thức y hệt các đơn vị quảng cáo thuốc đông y là đấu thầu với chi phí rất cao và sẵn sàng chi mạnh để tập trung quảng cáo trên một nền tảng.
Mặc dù có hiệu quả, nhưng phương pháp quảng cáo này cũng chứng tỏ việc bất chấp để có được người chơi của nhà phát triển, khi bị tác dụng ngược khiến rất nhiều người không tải game mà thậm chí còn trở nên ác cảm vì quá ám ảnh.
Trước tình trạng này, nhiều người dùng đã chia sẻ cách thoát khỏi những quảng cáo trên mà vẫn có thể hỗ trợ người làm nội dung trên YouTube. Cụ thể, bạn có thể report và yêu cầu YouTube không hiển thị lại quảng cáo gây khó chịu nữa.
Nhấn chọn biểu tượng chữ i có khoanh tròn ở góc trái màn hình
Chọn "Ngừng xem quảng cáo này" và quảng cáo đó sẽ ngừng xuất hiện khi bạn xem tiếp
Một cách khác là bạn có thể chuyển VPN sang các nước khác bằng app hoặc extension trên trình duyệt để được xem quảng cáo có nội dung "chất lượng" hơn tại các nước đó.
Ảnh: Internet