Mới năm ngoái, cộng đồng AoE Việt Nam nói riêng và game thủ nói chung đã vỡ oà trong niềm hạnh phúc khi biết được tin Facebook Gaming tài trợ cho những game thủ chuyên nghiệp, giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Có thể nói, Facebook đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều streamer Đế Chế trẻ muốn khởi nghiệp.
Facebook Gaming, cơ hội việc làm mới cho giới streamer Việt Nam. Ảnh: StreamElements.
Sau đó, vào cuối năm 2019, Facebook Gaming đột nhiên mở ra "cuộc thanh lọc", cắt đi hợp đồng của hàng loạt streamer. Từ đó, dẫn đến việc tính đến đầu tháng 2/2020, số lượng game thủ AoE bị cắt hợp đồng, giảm tài trợ ở mức 30%.
Một số cái tên có thể kể đến gồm Sỹ Yamato, Kỳ BN, Alonso, Chuồn Chuồn, Lôi Lão Hổ, Tiểu Tiểu Hiệp... Vậy nguyên nhân nào đã khiến cho Facebook Gaming phải đưa ra quyết định này?
"Một người làm quan cả họ được nhờ"
Sự thành công dễ nhận thấy cùng thành tích khủng của nhiều tên tuổi lớn như CSĐN, Hồng Anh, BiBi đã khiến cho Facebook Gaming hoàn toàn tin tưởng vào cộng đồng AoE Việt Nam. Vì thế, một số kênh stream nhỏ, ít người biết tới, từng thi đấu với CSĐN cũng dễ dàng vượt qua những bài kiểm tra thông số trước khi ký hợp đồng của Facebook.
Một điểm cần lưu ý nữa là lượng người chơi hay xem AoE khá ít, có xu hướng giảm. Do đó, khi có nhu cầu, dường như họ chỉ vào kênh CSDN, Hồng Anh... bỏ qua một số kênh non trẻ, kém thu hút.
Sự thành công của CSĐN đã giúp cả cộng đồng AoE Việt Nam được "thơm lây".
Tuy nhiên, việc này đã khiến cho CSĐN và những game thủ nổi tiếng khác của làng Đế Chế gặp khó khăn. Cụ thể, trung bình mỗi ngày CSĐN phải nhận tới 3 kèo thi đấu để kéo "fame và view" cho streamer kém danh tiếng. Hơn nữa, anh phải nhường sóng tối thiểu là mỗi trận 1h mà không được livestream.
Nếu số lượng người cần "gánh" chỉ một vài thôi thì sẽ không quá ảnh hưởng. Nhưng đối với sự việc lần này, con số ấy đã lên đến vài chục, khiến các streamer AoE nổi tiếng không thể "giúp" nổi. Do đó, sự ra đi của những streamer không đạt tiêu chuẩn là điều không thể tránh khỏi.
Có thể nói, cách giải quyết này vừa giúp cho nền tảng Facebook Gaming phát triển mà cũng phần nào khiến cho gánh nặng của các content creator/streamer đầy tài năng được giảm bớt.
"Ngựa quen đường cũ"
Theo thông tin Kenh14.vn tìm hiểu, các điều khoản hợp đồng Facebook Gaming có nhiều điểm khác biệt so với các nền tảng stream đã phổ biến tại Việt Nam. Không những vậy, các kênh stream không được phép nói tục, chửi thề, cấm hình ảnh khiêu dâm (bán nude hoặc những gì dễ gây hiểu lầm), quảng cáo bài bạc và đặc biệt nhất là không mở nhạc bản quyền.
Văng tục khi tức giận đã trở thành một phần không thể thiếu tại các kênh stream ở Việt Nam.
Như đã thấy ở trên, trong những điều cấm kỵ mà Facebook đưa ra, phần lớn chúng đã trở thành thói quen khó bỏ của phần lớn streamer tại Việt Nam như cởi trần, mở nhạc không bản quyền, mạt sát người xem, văng tục... Khi được nhắc nhở thì "ngựa quen đường cũ", không thay đổi. Mà để cải thiện được vấn đề này, có thể phải mất nhiều thời gian chứ không thể làm trong một sớm một chiều được.
"Một nắm khi đói bằng một gói khi no"
Nhìn thực tế, một nguyên nhân khác dẫn đến việc Facebook Gaming thanh lọc streamer, giảm tài trợ cũng một phần là vì sự phát triển chóng mặt của nền AoE Việt Nam trên Facebook. Nghe qua có vẻ "rất vô lý, nhưng cực kỳ thuyết phục".
Bây giờ không khó gì để thấy các trận đấu AoE trên Facebook.
Thật vậy, hiện nay, việc theo dõi các trận đấu AoE không còn gặp nhiều hạn chế như trước. Nhiều kèo đấu xuất hiện đầy newsfeed của những người dùng Facebook hay fan Đế Chế.
Đây mới thực sự là mấu chốt của vấn đề. Chính sự xuất hiện dày đặc ấy vừa giúp AoE được công chúng biết đến rộng rãi, nhưng cũng đang dần đẩy nó vào vực thẳm. Trước đây, khi muốn xem Chim Sẻ Đi Nắng hay các game thủ đỉnh cao khác thi đấu, người theo dõi thường phải chờ đợi, "lót dép ngồi hóng" từng ngày để được thưởng thức màn so tài ấy. Điều đó đã vô tình tạo ra cảm giác hưng phấn, thích thú, hồi hộp cho khán giả qua từng trận đấu.
Còn đâu một thời "lót dép ngồi hóng" từng trận đấu của Chim Sẻ.
Tuy nhiên, nhìn vào Facebook Gaming hiện nay mà xem, các trận đấu AoE liên tục được trình chiếu công khai. Ban đầu, fan tựa game này sẽ rất hưng phấn vì cuối cùng, thứ mà họ yêu thích cũng đã được mọi người công nhận. Nhưng càng về lâu, người xem sẽ không còn cảm giác hồi hộp khi phải chờ đợi từng trận đấu nữa mà thay vào đó là sự "bội thực", ngấy đi bởi mức độ tràn lan của chúng.
Nhìn xa hơn, dù chọn mảnh đất màu mỡ hơn Đế Chế, nhưng các streamer Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, PUBG Mobile, Free Fire, CS:GO hay Dota2 cũng rất chật vật tìm chỗ đứng, khó bứt phá vì không tạo được nhiều sản phẩm ấn tượng so với thế hệ trước. Bởi lẽ, cách thức truyền tải thông điệp, phong cách stream... không mấy khác biệt và sáng tạo để thu hút người xem mới và giữ chân người cũ. Bạn có thể xinh nhưng không tương tác với người xem, chơi game tệ, nội dung stream nhàm chán từ ngày này qua ngày khác thì cũng không ai muốn vào xem nữa. Điều đó khiến người xem rời bỏ kênh của bạn và tìm những cái tên mới, thú vị hơn trong làng streamer Việt Nam.
Tóm lại, động thái "thanh lọc streamer" này là bước đi cần thiết dành cho Facebook Gaming để có thể cải thiện nền tảng khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lâu năm ở Việt Nam. Thêm vào đó, cốt lõi nhất vẫn phải là chất lượng "sản phẩm" trên nền tảng sẽ được cải thiện, thu hút thêm người xem. Đấy cũng là quy luật "chọn lọc tự nhiên" đầy khắc nghiệt của cuộc sống. Người không thay đổi sẽ tụt lại và bị đào thải.