Nhờ vào tính di động cao nên laptop luôn là lựa chọn hàng đầu cho giới văn phòng và sinh viên. Tuy nhiên, không như máy tính để bàn (Desktop), Laptop rất khó trong việc nâng cấp phần cứng.
Một số dòng laptop mới được thiết kế đặc biệt nhằm hạn chế việc người dùng tháo lắp sản phẩm. Surface Pro 2 của Microsoft là một ví dụ, nếu muốn tháo xem các linh kiện phần cứng bên trong, bạn phải dùng đến máy...sấy tóc để hơ nóng và làm tan lớp keo dính xung quanh màn hình trước rồi mới đến thao tác "mổ" thiết bị. Nhưng vậy vẫn chưa là đủ, các linh kiện bên trong được kết nối với nhau khá chặt chẽ nên rất khó để thay thế.
Ngay cả việc nếu như chiếc laptop của bạn dễ "mổ" thì khả năng các linh kiện bên trong cũng được liên kết với nhau rất chặt chẽ và dễ… rối mắt, bên cạnh đó việc xác định đúng vị trí của các con ốc khi lắp vào cũng là một vấn đề khi mà số lượng chúng khá là nhiều với đủ kích thước.
Gặp phải trường hợp này thì cách tốt nhất là bạn nên… lắp lại và dẹp bỏ ý định nâng cấp đi là vừa vì nếu không khéo, bạn có thể phải ân hận, điển hình là các dòng Macbook của Apple với CPU, GPU, và RAM được hàn dính trên bo mạch chủ.
Với Desktop, thường thì các linh kiện sẽ được bảo hành riêng lẻ ra từng món. Điều này đồng nghĩa với việc dù bạn có mổ máy ra thành từng phần nhỏ như CPU, GPU, Ổ cứng hay Ram thì chúng vẫn sẽ được bảo hành. Tuy nhiên cơ chế bảo hành của Laptop lại rất khác; các nhà sản xuất chỉ chấp nhận bảo hành với trường hợp máy chưa bị mổ xẻ hay tháo lắp. Các tem bảo hành được nhà sản xuất dán ở các vị trí "trung tâm" là ở giữa khe tiếp giáp 2 bộ phận hoặc ngay trên vị trí ốc vít nên việc tháo lắp thiết bị sẽ không thể nếu như bạn không muốn "mất" bảo hành khi sản phẩm còn đang trong thời gian bảo hành.
Đối với một số dòng Laptop có thể nâng cấp thì game thủ cần lưu ý gì?
Thêm RAM: Đây là việc làm khá dễ dàng trong những gợi ý cho việc nâng cấp laptop. Nếu dòng laptop bạn đang dùng có hỗ trợ tháo lắp RAM thì bạn chỉ việc nhẹ nhàng tháo gỡ thanh RAM cũ ra và lắp vào thanh RAM mới là xong. Vấn đề ở đây là bạn phải tìm được loại RAM phù hợp với dòng máy mình đang dùng.
Chuyển sang sử dụng ổ SSD: Một số dòng laptop cũ sử dụng ổ HDD cho tốc độ không cao như các dòng máy sử dụng ổ SSD, do đó nếu không hài lòng, bạn có thể nâng cấp cho laptop bằng cách thay ổ HDD bằng SSD. Trước khi thực hiện, bạn nên tìm hiểu kĩ xem ổ SSD có phù hợp với laptop hay không và nên sao lưu dữ liệu trước khi thực hiện.
Thay thế CPU và GPU: Hai thành phần này khá quan trọng và phức tạp nhất trong laptop và thường được hàn chết lên bo mạch, do đó thông thường nếu muốn nâng cấp 2 thành phần này người ta thường phải thay luôn cả mainboard của laptop bao gồm cả 2 chip CPU và GPU, mặt khác việc tìm được 1 mainboard có sức mạnh cao hơn mà vẫn lắp vừa chỗ của main cũ là điều không dễ thường chỉ có thể lấy từ một máy khác giống hệt laptop muốn nâng cấp nhưng có option lúc mua máy là cấu hình cao hơn.
Hiện này có một số nhà sản xuất còn cung cấp một số dịch vụ trực tuyến nhằm hướng dẫn bạn cách bảo trì và nâng cấp sản phẩm của họ. Bên cạnh đó cũng nên tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm trong vấn đề nâng cấp phần cứng máy tính để có được những lời khuyên và hướng dẫn chuẩn xác.