Hầu hết người dùng iPhone và một số sản phẩm khác của Apple, từ iPad đến MacBook đều gặp vấn đề về độ bền của cáp sạc, như bị rách hoặc sờn lớp vỏ khiến cáp hỏng hoặc hoạt động không ổn định.
Các báo cáo về việc dây cáp đi kèm các sản phẩm Apple bị nhanh hỏng xuất hiện từ năm 2006. Có hai lý do giải thích cho điều này:
Đầu tiên nhóm thiết kế tại Apple thiên về hình thức hơn tính năng, họ cho rằng những đường gân đàn hồi giảm tình trạng bị căng trên dây cáp trước đó là xấu xí. Họ dùng một lớp bọc nhựa liền mạch mỏng hơn để thay thế giúp cáp trông bóng bẩy hơn dù biết cáp sẽ có tỷ lệ hỏng hóc cao hơn. Vì vậy, iPad, MacBook và iPhone đều đi kèm cáp nguồn mà không có bộ phận giảm căng có gân thông thường.
Nguyên nhân thứ 2 là do kết quả của nỗ lực bảo vệ môi trường được khởi xướng bởi Steve Jobs có tên A Greener Apple - loại bỏ các vật liệu có hại hoặc độc hại khỏi sản phẩm của mình. PVC thường được dùng trong dây cáp điện để làm cho chúng cứng và bền hơn là một trong số vật liệu độc hại bị loại khỏi các sản phẩm và dây cáp của Apple. Họ sử dụng các lớp vỏ bằng cao su mỏng, dễ uốn cong hơn và cũng dễ hỏng hơn nhiều để thay thế.
Việc kết hợp giữa thiết kế bỏ gân chống căng đẹp hơn nhưng yếu hơn và vật liệu ống bọc cao su mỏng hơn và mềm hơn của Apple đã tạo ra thiết kế cáp mỏng manh nhất mà ngành công nghệ từng thấy. Và vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi mà giá cả của các phụ kiện của Apple thường cao hơn hẳn đối thủ cạnh tranh.
Đối với người dùng các sản phẩm của Apple, việc thay thế cáp trở thành một phần tốn kém và bất tiện. Và hiện nay, có vẻ như Apple đang cố gắng giải quyết nó bằng cách tung ra các loại cáp bọc vải bền hơn cho các sản phẩm như HomePod hay iMac.