CEO Pavel Durov của nền tảng Telegram vừa bị Pháp bắt giữ với cáo buộc thiếu kiểm duyệt, dẫn tới nền tảng nhắn tin này bị tội phạm lợi dụng cho các hoạt động như giao dịch phi pháp, mua bán ma túy, phát tán tài liệu lạm dụng trẻ em...
Telegram hiện có trụ sở tại Dubai, hơn 900 triệu người dùng và đặt mục tiêu đạt 1 tỷ người dùng trong năm nay. Trong quá khứ, mạng xã hội này nhiều lần bị "réo tên" trong các hoạt động truy quét tội phạm. Năm 2023, Cục Phòng chống Ma túy Trung ương (CNB) của Singapore thống kê có tới 500 tội phạm ma túy sử dụng Telegram bị bắt.
CNB cho biết việc sử dụng các ứng dụng trò chuyện cho phép liên lạc kín, như Telegram, rất phổ biến với tội phạm ma túy. Tội phạm tình dục, lừa đảo và các hoạt động lừa tiền cũng thường xuyên sử dụng ứng dụng trò chuyện này. Vậy lý do gì khiến các hoạt động phạm tội trở nên phổ biến trên Telegram?
Khả năng tiếp cận đám đông
Tờ CNA trích dẫn một số luật sư hình sự, cho biết khả năng tiếp cận rộng rãi, quyền riêng tư và ẩn danh là các lý do chính khiến tội phạm ưa thích ứng dụng này.
Theo Statista, Telegram liên tục tăng mức độ phổ biến trong những năm gần đây, vượt qua con số 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 11/2022. Ở một mức độ nào đó, sự gia tăng hoạt động tội phạm trên Telegram có thể chỉ đơn giản là do sự gia tăng về mức độ sử dụng, Ng Yuan Siang từ công ty luật Eugene Thuraisingam LLP cho biết.
Các kênh và nhóm công khai của Telegram có thể gồm tới 200.000 thành viên, và dễ dàng được tìm ra bởi bất kỳ ai thông qua thanh tìm kiếm của ứng dụng. Ông Ng nói thêm rằng điều này giúp tội phạm dễ dàng tiếp cận đối tượng mới hơn so với các nền tảng nhắn tin khác.
Còn luật sư Adrian Wee cho biết: " Chức năng nhóm của Telegram cho phép người dùng tham gia cộng đồng mà không cần liên hệ riêng lẻ, nghĩa là người cung cấp tài liệu và chất gây nghiện bất hợp pháp có thể tiếp cận được với số lượng lớn người ". Nói cách khác, các nhóm Telegram khá dễ tham gia và người dùng thường cũng không cần phải xác minh danh tính hay chờ duyệt như một số mạng xã hội khác.
Tính bảo mật và riêng tư
Ông Wee nói thêm rằng tính ẩn danh và quyền riêng tư là lý do quan trọng khiến Telegram hấp dẫn tội phạm.
Chính sách bảo mật nghiêm ngặt của Telegram không cho phép chia sẻ thông tin người dùng với các cơ quan thực thi pháp luật, ông Wee nói. Ông này cũng nhấn mạnh rằng các ứng dụng như Telegram "tồn tại chính vì người dùng lo ngại rằng các ứng dụng khác dễ bị chính phủ theo dõi".
Ông cũng lưu ý Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin đầu tiên cung cấp mã hóa đầu cuối, cho phép người dùng hoạt động mà không sợ cơ quan thực thi pháp luật đọc được tin nhắn của họ.
Theo luật sư James Gomez Jovian Messiah, mã hóa đầu cuối có thể ngăn chặn quyền truy cập dữ liệu của bên thứ ba. Thậm chí, tin nhắn gửi đến server của Telegram cũng được mã hóa, khiến nhà phát triển và quản lý ứng dụng cũng không đọc được tin nhắn. Đó là chưa kể, Telegram còn có tính năng "tự hủy" tin nhắn, một bên có thể đơn phương xóa toàn bộ cuộc trò chuyện của cả hai phía mà không cần sự đồng ý của bên còn lại, rất khác với Facebook Messenger chẳng hạn.
Ông Wee nhấn mạnh tính năng tự hủy tin nhắn khiến ngay cả khi cơ quan chức năng tiếp cận được thiết bị của đối tượng đang bị điều tra, họ cũng không thể đọc hoặc phục hồi được tin nhắn. Tin nhắn có thể cài đặt tự động hủy sau một khoảng thời gian nhất định mà không cần bất kỳ thao tác nào của người dùng.
Ông James Gomez cho biết, các nền tảng nhắn tin trên web như Telegram không yêu cầu số điện thoại đang hoạt động, cho phép người dùng ẩn danh thoải mái sử dụng SIM rác để đăng ký một lần, rồi vứt luôn SIM rác đó đi để phi tang.
Tất nhiên, Telegram cũng không hoàn toàn "che giấu" được tội phạm. Theo luật sư Ng, các hoạt động phi pháp luôn dẫn đến giao dịch thực bên ngoài không gian mạng, chẳng hạn như chuyển khoản ngân hàng hoặc thông tin vận đơn, là các dấu vết giúp cơ quan điều tra lần ra hoạt động phi pháp.
Khó khăn trong điều tra và truy tố
Điểm khó trong điều tra nằm ở việc thu thập bằng chứng, phục hồi dữ liệu và truy tìm tội phạm trên không gian mạng nói chung.
Telegram tuyên bố trên trang web của mình rằng họ có thể tiết lộ địa chỉ IP và số điện thoại của người dùng nếu nhận được lệnh của tòa án xác nhận rằng người dùng là nghi phạm khủng bố, nhưng ứng dụng nhắn tin này cho biết điều đó chưa bao giờ xảy ra.
Luật sư Ng nhận định, từng có trường hợp Telegram tiết lộ thông tin người dùng để tuân thủ lệnh của tòa án "ngoài bối cảnh khủng bố". Ông trích dẫn một trường hợp vào cuối năm 2022 khi ứng dụng nhắn tin này tuân thủ lệnh của tòa án New Delhi về việc tiết lộ thông tin người quản lý các kênh Telegram bị cáo buộc vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên, ông Ng lưu ý rằng vẫn còn "câu hỏi về việc thông tin này có thể hữu ích thế nào với các nhà chức trách".
“ Theo lệnh của New Delhi, họ chỉ tiết lộ tên, số điện thoại và địa chỉ IP của các tài khoản liên quan đến kênh đang bị điều tra. Những thông tin này có thể đủ để xác định thủ phạm trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, cũng có khả năng thủ phạm được xác định có thể ở nước ngoài và nằm ngoài tầm với của chính quyền, hoặc chúng vẫn có thể ẩn sau nhiều lớp che giấu tinh vi khác ”, ông nói.
Theo luật sư James Gomez, các hoạt động tội phạm được thực hiện trên Telegram thường liên quan đến tội phạm có tổ chức, "tạo ra một chuỗi khó theo dõi hơn".
" Tội phạm có tổ chức gồm nhiều người có thể không biết nhau để tạo ra một giao dịch duy nhất. Từ người điều hành tài khoản, người hợp nhất đơn hàng, người giao hàng, đến kẻ chủ mưu của hoạt động, những người này thường được tách biệt rõ ràng mà không biết thông tin chi tiết hoặc vị trí của người kia ", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc phục hồi dữ liệu cũng có thể là thách thức đối với các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là với công nghệ lưu trữ dựa trên đám mây và web.
Hiện tại, việc buộc Telegram phải chịu trách nhiệm về các hoạt động tội phạm được thực hiện trên nền tảng là rất khó khăn.
Thứ nhất, Telegram có thể lập luận họ không kiểm soát được nội dung trao đổi trên ứng dụng này, ông Wee cho biết và nói việc sử dụng mã hóa đầu cuối cũng cho phép Telegram "tuyên bố rằng họ không biết nội dung của các tin nhắn được trao đổi".
Ngoài ra, Telegram còn đặt trụ sở ở khu vực mà quyền điều tra hoặc truy tố của các chính phủ nước ngoài sẽ gặp nhiều trở ngại.
Nguồn: CNA