Mạng 4G công nghiệp dạng vòng ring có thể nâng cấp lên 5G vừa chính thức ra mắt tại mỏ khai khoáng thông minh của Tập đoàn Đầu tư Quốc tế Asia-Potash thuộc tỉnh Khammouane, cách thủ đô Viêng Chăn, Lào 350km. Một thợ mỏ đã thực hiện cuộc gọi video WeChat đầu tiên ở độ sâu 300m dưới lòng đất, cập nhật tình hình hầm mỏ theo thời gian thực cho trụ sở chính cách đó 3.500km (gần 2.175 dặm) ở Bắc Kinh.
Tập đoàn Đầu tư Quốc tế Asia-Potash là một trong những nhà cung cấp phân bón kali lớn nhất châu Á, với sản lượng 1 triệu tấn vào năm 2022. Mỏ khai thác kali tại Lào là mô hình mỏ thông minh đầu tiên do Asia-Potash xây dựng tại Đông Nam Á, cũng là mỏ đầu tiên triển khai Giải pháp Khai khoáng Thông minh của Huawei trong khu vực.
Asia-Potash đã không ngừng mở rộng năng lực sản xuất, với số lượng nhân công khai thác mỏ ở Lào tăng từ vài trăm lên hơn 3.000 người trong những năm qua, với nhu cầu vận hành thông minh và tự động hóa ngày càng cao. Do đó, tập đoàn Asia-Potash đặt mục tiêu phải loại bỏ các lỗ hổng trong việc liên lạc giữa trên và dưới mặt đất để có thể giám sát an toàn sản xuất ngầm theo thời gian thực.
Sau hơn 2 tháng xây dựng, Giải pháp Khai khoáng Thông minh của Huawei đã được triển khai tại các khu vực khai thác mỏ, đạt phạm vi phủ sóng toàn bộ mạng riêng không dây trên và dưới mặt đất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu liên lạc theo thời gian thực giữa các thợ mỏ và yêu cầu kiểm tra sự cố thông minh. Giải pháp này áp dụng cho các trường hợp không thể kết nối mạng có dây.
Đại diện Asia-Potash cho hay, nền tảng cộng tác đám mây, các ứng dụng khai thác thông minh và các dịch vụ dưới lòng đất dựa trên phạm vi phủ sóng toàn mạng và công nghệ 5G đều yêu cầu băng thông cực lớn hoặc độ trễ cực thấp. Chẳng hạn việc điều khiển từ xa và lái xe tự động hiện không thể triển khai trên mạng riêng dưới hầm, nhưng sẽ được triển khai trong tương lai để tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng hệ sinh thái kiến trúc Internet công nghiệp và phát triển các mỏ thông minh.
Ông Zhang Lu, chuyên gia kỹ thuật của Huawei, cho biết, trước đây các mỏ chủ yếu sử dụng điện thoại cố định để liên lạc dưới và trên mặt đất. Giờ đây, mạng công nghiệp dạng vòng ring không dây hỗ trợ các cuộc gọi di động mọi lúc mọi nơi. Trong các tình huống làm việc di động, mọi bộ phận được kết nối theo thời gian thực trên toàn bộ khu vực khai thác, giúp cải thiện sự an toàn và hiệu quả đáng kể.
Chỉ riêng năm qua, Đội ngũ Khai khoáng mới thành lập của Huawei đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực khai khoáng thông minh. Hệ điều hành MineHarmony do Huawei và China Energy cùng phát triển, đã được triển khai trên hơn 3.300 bộ thiết bị tại 13 mỏ than và một trạm rửa than của Tập đoàn Than Shendong. Đặc biệt, MineHarmony còn được triển khai trên toàn bộ mỏ Wulanmulun (còn gọi là mỏ Ulan Moran) ở khu vực Nội Mông, đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về chuyển đổi kết nối, giao diện tương tác và truy cập dữ liệu.
Ngoài ra, công nghệ ghép video 5G + AI đã được sử dụng để điều khiển từ xa trên một số mỏ. Ví dụ, mỏ than Sanyuan của Công ty Công nghiệp than Jinneng Holding Shanxi đã triển khai công nghệ điều khiển từ xa trên toàn bộ bề mặt khai thác và chuyển đổi các trình điều khiển khai khoáng dưới hầm sâu lên trên mặt đất. Việc giám sát thông minh hệ thống giao thông giúp giảm 20% lượng nhân viên kiểm tra dưới lòng đất.