Trong thời gian gần đây, chính phủ Ấn Độ đã chú trọng nhiều đến xuất khẩu smartphone. Thậm chí vào tháng 11/2022, Thủ tướng Narendra Modi đã ca ngợi xuất khẩu điện thoại khi vượt mốc 5 tỷ USD. Tại Đại hội Di động Ấn Độ năm 2023, ông Modi cho biết “cả thế giới sẽ sớm sử dụng điện thoại sản xuất tại Ấn Độ”.
Để làm được điều này, chính phủ Ấn Độ đã khởi động chương trình Khuyến khích Liên kết Sản xuất dành cho các công ty smartphone lớn chuyển nhà cung cấp sang Ấn Độ. Đó là một phần trong mục tiêu đầy tham vọng đặt ra trong Chính sách quốc gia về Điện tử 2019, đó là Ấn Độ sẽ xuất khẩu 600 triệu điện thoại di động trị giá 110 tỷ USD vào năm 2025.
Chỉ còn một năm nữa là đạt được mục tiêu này, nhưng xuất khẩu smartphone của Ấn Độ vẫn ở mức dưới 10 tỷ USD mỗi năm, chỉ bằng một phần nhỏ so với mục tiêu đề ra. Trong khi Ấn Độ tiếp tục sản xuất một số lượng đáng kể smartphone, phần lớn chúng được tiêu thụ trong nước.
Một lý do ảnh hưởng đến sự tăng trưởng xuất khẩu smartphone tại Ấn Độ là vì thuế nhập khẩu linh kiện di động cao, bất chấp chính phủ nước này đã giảm thuế nhập khẩu đối với các bộ phận di động như ống kính, pin và ốp lưng từ 15% xuống 10% vào cuối tháng 1. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục áp thuế 20% đối với bộ sạc và bảng mạch.
Đà tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh chính phủ Ấn Độ áp dụng nhiều ưu đãi.
Mặt khác, Việt Nam lại đang thu hút nhiều doanh nghiệp muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc khi thị phần xuất khẩu smartphone tăng đều đặn trong những năm qua và hiện đã vượt Hàn Quốc để trở thành quốc gia xuất khẩu smartphone lớn thứ hai.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có thị phần xuất khẩu điện thoại dưới 1% trước năm 2010. Đến năm 2022, thị phần của Việt Nam tăng lên 12%, trong khi Ấn Độ đứng thứ 7 với hơn 2,5% thị phần xuất khẩu. Mặc dù Trung Quốc tiếp tục chiếm thị phần lớn bằng cách xuất khẩu một nửa số smartphone trên thế giới vào năm 2022 nhưng xu hướng tăng trưởng liên tục mà nước này chứng kiến trước năm 2015 đã không còn nữa. Hồng Kông, UAE, Cộng hòa Séc, Mỹ và Hàn Quốc là những đối thủ khác trên thị trường xuất khẩu.
Sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Việt Nam có thể bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường smartphone tại Mỹ - quốc gia nhập khẩu điện thoại di động lớn nhất. Từ năm 2018 đến năm 2022, thị phần nhập khẩu smartphone của Việt Nam vào Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 9% lên 18%. Việt Nam cũng đã cải thiện nhẹ thị phần của mình lên 1% trong nhập khẩu smartphone vào Hồng Kông - quốc gia nhập khẩu smartphone lớn thứ hai thế giới và là nơi thị phần của Ấn Độ không đáng kể. Nhật Bản - quốc gia nhập khẩu smartphone lớn thứ tư thế giới - nhập khẩu 6% smartphone từ Việt Nam, gần gấp 3 lần so với thị phần của Ấn Độ.
Samsung là một trong những hãng smartphone đặt nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tại UAE và Đức - những quốc gia nhập khẩu smartphone lớn thứ ba và thứ năm trên thế giới - thị phần nhập khẩu của Việt Nam đang giảm và ở cả hai quốc gia này, thị phần của Ấn Độ đang tăng lên.