"Xiaomi đã xóa bỏ giới hạn về giá bán. Đây chính là lúc chúng tôi tiến vào phân khúc cao cấp", Lei Jun, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Xiaomi, viết trên Weibo.
Theo nhiều chuyên gia công nghệ, việc tung ra Mi 10 là chỉ dấu cho thấy Xiaomi đang chú trọng nhiều hơn vào phân khúc cao cấp, sau một thời gian dài chỉ tập trung vào các mẫu smartphone tầm trung và phổ thông với các model cấu hình mạnh so với tầm giá.
Nói cách khác, Xiaomi giờ đây muốn cạnh tranh trực tiếp với Huawei, vốn đang nắm giữ vị trí số 1 tại thị trường smartphone Trung Quốc hiện nay. Theo SCMP, Huawei hiện chiếm tới tới 80% thị phần phân khúc smartphone cao cấp tại Trung Quốc, trong khi Oppo, Xiaomi và Vivo chia sẻ 20% thị phần còn lại.
Xiaomi muốn rũ bỏ mác chỉ sản xuất điện thoại giá rẻ để tiến vào phân khúc cao cấp
"Bộ đôi Mi 10 sẽ là sản phẩm đầu tiên giúp công ty lấn sân sang phân khúc cao cấp", nhà sáng lập Xiaomi là Lei Jun tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn sau khi mẫu smartphone trên được tung ra. "Tôi nghĩ rằng những khách hàng trước đây của chúng tôi chủ yếu là những người trẻ tuổi. Bây giờ, Xiaomi sẽ cực kỳ nỗ lực để có được sự chấp nhận từ phía người dùng smartphone cao cấp"
"Oppo và Xiaomi đã có sự tăng trưởng thần kỳ trong vài năm trở lại đây nhờ áp dụng mô hình kinh doanh độc đáo (khi tung ra các mẫu smartphone giá rẻ nhưng cấu hình tốt). Tuy nhiên, chiến lược này đang dần mất đi tính hiệu quả, trong khi các đối thủ cạnh tranh lại có thể dễ dàng sao chép ‘đường đi nước bước’ của Oppo và Xiaomi", ông Nicole Peng, phó chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu thị trường điện thoại di động tại Canalys cho biết.
"Động thái chuyển dịch sang phân khúc cao cấp không chỉ đơn thuần là chiến lược về giá. Nó còn cho thấy cả Oppo và Xiaomi đều rất tự tin vào công nghệ mình đang có trong tay. Thử thách lớn nhất họ sẽ phải đối mặt chính là làm sao để thỏa mãn được đối tượng người dùng cao cấp, vốn rất khó tính và luôn tìm kiếm những trải nghiệm đỉnh cao nhất có thể".
Vào tháng trước, Xiaomi đã công bố bộ đôi smartphone cao cấp Mi 10 và Mi 10 Pro với giá bán lần lượt khoảng khoảng 570 USD và 720 USD. Trong khi đó, Oppo cũng vừa tung ra mẫu flagship Find X2 với giá bán khởi điểm khoảng 785 USD. Có thể thấy, đây đều là những sản phẩm có giá bán cao hơn rất nhiều so với các mẫu smartphone hai hãng từng tung ra cách đây vài năm.
"Tháng Hai và tháng Ba luôn là thời điểm khốc liệt nhất trong năm, khi các nhà sản xuất tung ra các mẫu smartphone đầu bảng và cao cấp…Tất cả mọi người giờ đây đều có chung một câu hỏi: Tại sao giá bán điện thoại càng ngày càng cao đến vậy?", phó chủ tịch Xiaomi, Lu Weibing viết trên Weibo "Trên thực tế, ngày nay, nếu muốn phát triển một mẫu smartphone cao cấp nhất có thể, bạn buộc phải sử dụng những linh kiện tốt nhất, đắt đỏ nhất bằng mọi giá".
Theo SCMP, một loạt các hãng điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, Oppo và Vivo từng hy vọng doanh số bán hàng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể với việc ra mắt các mẫu smartphone hỗ trợ 5G, vốn tương thích với cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đã được triển khai rộng khắp tại đất nước tỷ dân.
Tình hình dịch COVID-19 đã khiến doanh số bán hàng của nhiều hãng điện thoại Trung Quốc lao dốc
Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh tại Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua đã khiến hy vọng trên bị đổ bể. Một loạt các dây chuyền sản xuất smartphone tại Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa tạm thời, trong bối cảnh nhà chức trách nước này ra lệnh phong tỏa một số thành phố và hạn chế tụ tập nơi đông người.
Kết quả, một loạt công ty nghiên cứu thị trường đều đưa ra một bức tranh ảm đạm cho các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc năm 2020, khi doanh số bán lao dốc. Theo công ty Canalys and Strategy Analytics, số lượng smartphone bán ra trong Q1 năm nay suy giảm tới 50% so với Q1/2019. Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường IDC lại dự báo mức suy giảm 30%.
Tham khảo SCMP